Người trồng khoai lang Vĩnh Long mòn mỏi đợi Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch (bài 3)

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù tỉnh Vĩnh Long đã nhiều lần đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ đàm phán với phía Trung Quốc cho xuất khẩu khoai lang chính ngạch nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới giúp cho giá và diện tích khoai lang khôi phục.
Người trồng khoai lang Vĩnh Long mòn mỏi đợi Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch (bài 3)
Ảnh minh họa

Người dân khá lên cũng nhờ khoai lang mà nghèo đi cũng do khoai lang

Liên quan đến việc diện tích trồng khoai lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) - vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây từ trên 14.000 ha giảm mạnh chỉ còn hơn 700ha, ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, nguyên nhân chính khiến giá khoai lang tím giảm mạnh là do không xuất đi Trung Quốc được thông qua con đường chính ngạch.

Trước đây, theo ông Liêm, khoai lang Bình Tân có xuất được qua bên đó theo đường tiểu ngạch nhưng ngày càng không thuận lợi và chịu nhiều chi phí cao. Từ khi xảy ra dịch bệnh, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid nên khoai lang không tiêu thụ được.

"Từ đó, giá khoai lang tím giảm mạnh, khiến người dân thua lỗ, thậm chí là lỗ rất nặng. Lỗ lần thứ nhất, lần thứ hai người dân còn cố gắng, chứ lần thứ ba người dân không chịu nổi, không dám trồng nữa. Người dân khá lên cũng nhờ khoai mà nghèo đi cũng do khoai" - ông Liêm nói.

Vùng trồng khoai lang lớn nhất miền Tây giảm từ trên 14.000 ha xuống còn hơn 700ha. Ảnh: Huỳnh Xây

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho hay, Bình Tân là vùng trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL, tập trung 90% diện tích ở huyện Bình Tân và 10% ở thị xã Bình Minh. 

Do không xuất khẩu được sang thị trường chính là Trung Quốc, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường Đài Loan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản... chỉ đi hàng rải rác, không bao nhiêu.

Vẫn phải chờ từ phía Trung Quốc

Ông Liêm cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long luôn cố gắng làm sao để đưa khoai lang xuất khẩu chính ngạch. 

Do đó, đã nhiều lần đề nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ công việc này. Không những ngành nông nghiệp, UBND tỉnh, Tỉnh ủy cũng có văn bản, báo cáo gửi Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương về khó khăn của địa phương trong sản xuất khoai lang và nhờ can thiệp.

Theo lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, chỉ có xuất khẩu chính ngạch mới giúp cho giá và diện tích khoai lang khôi phục. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đó, phía Trung Quốc đã hứa qua đây để đàm phán, cấp mã số vùng trồng mới cho xuất. Tuy nhiên, do dịch bệnh, họ áp dụng chính sách Zero Covid nên không qua, tới giờ vẫn chưa thương thảo được.

"Chỉ có giải pháp xuất khẩu chính ngạch mới đẩy giá khoai lang tím tăng được. Bởi bên Trung Quốc giá khoai lang tím rất cao, người dân mới có lời mà quay lại trồng. Về kỹ thuật trồng khoai lang tím, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn người dân áp dụng rất tốt" - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long nhận định.

Cũng theo ông Liêm, nếu phía Trung Quốc cho xuất khẩu chính ngạch tiềm năng của Vĩnh Long rất lớn, cũng chỉ ở mức hơn 14.000 ha trồng khoai lang tím mà có thể mở rộng ra 15.000 hoặc 17.000ha vẫn được.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, ngoài giá và diện tích giảm, vùng trồng khoai lang Bình Tân còn một số khó khăn khác. Mã số vùng trồng hiện nay vướng, do nông dân không trồng nên không cấp được. Ngành nông nghiệp tỉnh đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật sẽ cấp hơn 1.000 ha khoai lang nhưng thực tế xuống giống từ đầu năm 2022 đến nay chỉ hơn 700 ha, nên không thể cấp được.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã cấp mã số vùng trồng cho một số doanh nghiệp để họ tự thương thảo với phía doanh nghiệp Trung Quốc nhưng số lượng không nhiều, hiện vẫn còn gặp khó.

Về mặt hàng chế biến khoai lang tím của tỉnh Vĩnh Long còn vướng một số quy định, thủ tục. Hiện nay, chỉ xuất khẩu hạn chế, thị trường tiêu thụ không nhiều.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật