
Mỗi lần thấy bố mẹ về, cháu lại tíu tít chạy ra mở cổng, cầm túi xách, giúp mẹ nấu cơm, giúp bố giặt quần áo. Nhưng cái đáng nói là sau mỗi lần giúp bố mẹ thì cháu đều xin tiền. Ban đầu thì tôi không chú ý nhưng sau đó tôi thấy cháu xin rất nhiều, rất tự nhiên chứ chẳng e dè, ngại ngùng gì cả.
Nhiều tháng chồng tôi mới lĩnh lương về kiểu gì con gái cũng nhõng nhẽo bố. Cháu năn nỉ thay điện thoại mới cho bằng được rồi lại than thở rằng không có tiền xấu hổ với bạn bè như thế nào? Cháu lôi ra hàng loạt những lý do như cùng bạn bè đi uống nước, đi ăn chè, ăn kem mà ít tiền thì quê quá độ. Nói tóm lại là cháu đều có lý do để xin một cái gì đó, nào túi xách đã cũ, thích cái váy mới, mấy đôi giày đã quê. Chồng tôi thương con gái nên cứ rút tiền mà không nghĩ ngợi gì cả.
Tôi không đồng tình với suy nghĩ và cách chi tiêu tiền hoang phí của cháu. Chồng tôi thì xuề xòa nói: “Bọn trẻ bây giờ đều thế” nên con gái càng được đà xin nhiều hơn. Nếu không cho thì cháu hờn dỗi, bỏ cơm, bỏ học. Mấy người bạn của tôi cũng có con cùng lứa với cháu nhưng không xin tiền nhiều như thế. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi có phải cháu đang còn bé mà đã dùng đến tiền nhiều quá hay không?
Sau mỗi lần giúp mẹ việc gì, cháu lại quay sang xin tiền (ảnh minh họa)
Cháu xin tiền để đi học nhạc, học họa, đi học thêm môn toán, môn ngoại ngữ thì tôi chẳng tiếc gì cả. Nhưng sau đó tôi phát hiện cháu dùng tiền để đi chơi chứ chẳng phải đi học. Tôi phạt cháu, không cho tiền như trước nữa thì cháu cho rằng mẹ khắc nghiệt, ích kỷ, không tâm lý như mẹ của mấy người bạn.
Mới đang ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng con gái tôi không hồn nhiên, vô tư như bạn bè. Cháu hay càu nhàu, đòi hỏi quá đáng trong chi tiêu. Hai mẹ con đi mua sắm, cháu cứ đòi mua đồ đắt tiền, hàng hiệu. Nếu tôi không đồng ý thì cháu cằn nhằn nọ kia và đòi về ngay rồi nói sau này lớn lên sẽ kiếm thật nhiều tiền.
Tiền tiêu vặt mỗi tháng cháu xin tới 1 triệu (có khi nhiều tháng còn hơn thế). Với một học sinh phổ thông ăn cơm ngày 3 bữa ở nhà thì đó đâu phải số tiền nhỏ? Mỗi lần đưa tiền cho cháu, tôi đều căn vặn xem cháu định dùng vào việc gì?
Tôi liên tục chấn chỉnh cách chi tiêu của con. Thế rồi cháu không xin mẹ nữa mà bí mật quay sang xin bố. Bẵng đi một thời gian lại chẳng thấy con xin tiền nhiều như trước, tôi lại thấy là lạ. Tiền ăn sáng, tiền tiêu vặt bao nhiêu tôi luôn rõ ràng từng khoản. Rất ít khi tôi cho thêm tiền con nhưng nếu con bảo cần mua cuốn sách thì tôi sẵn sàng cho con thêm tiền.
Cái khiến tôi lo sợ hơn là cháu mới có bạn trai. Theo lời khoe của cháu thì đó là một cậu con trai nhà giàu, tiêu tiền rộng rãi lắm. Thi thoảng cháu lại có đồ mới, rất đẹp. Nhiều hôm tôi gọi con lại để hỏi ai mua thì cháu hồn nhiên nói là của bạn trai tặng.
Vợ chồng tôi đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Nhưng tuần trước có người đến tận nhà để đòi nợ. Hóa ra cần tiền nên con gái tôi đã vay họ với lãi rất cao. Rút ra 4 triệu rưỡi trả cho người ta, tôi bực bội tra hỏi xem con vay tiền để làm gì thì cháu thú nhận là thích cái điện thoại mới nên vay, lúc nào có tiền thì trả sau.
Trong lúc nóng giận tôi đã sẵn tay tát con một cái. Cháu lu loa khóc lóc và tuyên bố sẽ không đi học nữa cho mẹ biết mặt. Từ bữa đến nay cháu cứ đóng cửa ở trên phòng. Chồng tôi năn nỉ mãi cháu mới chịu đến trường nhưng cứ về đến nhà là lên phòng riêng ngay. Bữa cơm thì tôi phải đem lên tận phòng. Tình cảm mẹ con vì vậy ngày càng xa cách, hờ hững. Cháu chỉ nói chuyện với bố chứ mẹ có hỏi gì cũng không thưa khiến tôi rất buồn lòng.
Chúng tôi có để cho con thiếu thốn cái gì đâu? Những khoản chi tiêu hợp lý tôi đều sẵn sàng cho con. Nhưng với cách chi tiêu khá sành sỏi, đôi khi quá đáng của con khiến tôi thực sự bất an và lo lắng. Nay cháu nhận quà của bạn trai, mai lại tự động vay mượn của người ta, tôi sợ một ngày nào đó cháu sẽ làm những điều dại dột chưa biết chừng. Tôi phải làm gì để hàn gắn lại mối quan hệ đang rạn nứt giữa hai mẹ con?