
Nhờ cơ chế tự chủ, các cơ quan khoa học này được “giải phóng năng lượng”, thể hiện hết thế mạnh của mình. Do đó, cán bộ công nhân viên đều yên tâm công tác nghiên cứu khoa học.
Cán bộ công tác khoa học sống khỏe nhờ NĐ 115
Là một trong hai đơn vị được UBND thành phố quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi tổ chức, để phát triển tốt khi theo Nghị định 115 từ 1/1/2008, sau khi chuyển sang tự chịu trách nhiệm, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm đã có những bước tiến: doanh thu 45,7 tỷ đồng, số mẫu phân tích tăng 15,33%,... Các cán bộ, công nhân viên nhờ thế “sống khỏe” yên tâm với công tác khoa học.
Tiến sĩ Đinh Công Tuấn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm cho biết, năm 2009, Trung tâm sẽ mở chi nhánh ở TP Cần Thơ, để phát huy thế mạnh phân tích mẫu thuỷ hải sản trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh miền Tây. Dự tính sẽ đầu tư 15 tỷ đồng vào chi nhánh này.
Cũng trong năm 2009, UBND TP.HCM và Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đồng ý sẽ xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm này có quy mô lớn nhất ở Việt Nam chuyên về lĩnh vực dịch vụ phân tích thí nghiệm.
Ông Tuấn cũng cho biết, để phát triển hơn chất lượng nguồn nhân lực của mình, Trung tâm hết sức tạo điều kiện cho cán bộ đủ tiêu chuẩn đi học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ ở nước ngoài.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (Trung tâm cũng chuyển đổi cùng thời gian 1/1/2008), việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường rất cần thiết.
Khi nắm bắt nhu cầu của người dân TP.HCM về thị trường các sản phẩm điện máy gia dụng tiết kiệm năng lượng, Trung tâm đã nhanh nhạy bắt tay cùng siêu thị điện máy Thiên Hòa (quận 7, TP.HCM) thành lập gian hàng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; đã hoàn thành tốt chiến dịch Giờ Trái đất, vận động tắt đèn hơn 40 nhà hàng, khách sạn lớn trong TP.HCM.
Trung tâm còn mạnh dạn mở công ty ngay trong thời điểm khủng hoảng kinh tế có tác dụng lên các doanh nghiệp. Trong buổi lễ cắt băng khánh thành mới đây, Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ (đơn vị kinh tế của Trung tâm tiết kiệm năng lượng) đã kí hợp đồng với các đối tác là các doanh nghiệp, khu công nghiệp, hộ gia đình cung cấp tấm pin mặt trời. Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng ngay trong ngày đầu đi vào hoạt động nhà máy tấm pin mặt trời của cho thấy Trung tâm đã thành công trong việc nắm bắt nhu cầu về thị trường năng lượng tái tạo.
Ngoài việc phối hợp với Sài Gòn Petro thành lập Công ty CP Sinh học hóa dầu miền Nam, điểm nổi bật nhất của việc áp dụng cơ chế 115 vào Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM đó là sự ra đời của nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời đầu tiên tại Việt Nam. Với sự áp dụng cơ chế 115, nhà máy là công trình tiên phong trong công nghệ cao về vấn đề năng lượng.
![]() |
Những tấm pin mặt trời đầu tiên xuất xưởng của Trung tâm tiết kiệm năng lượng. Ảnh: V.Giang |
Ông Huỳnh Kim Tước cũng cho biết, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM là một tổ chức khoa học và công nghệ, khi chuyển sang hình thức hoạt động áp dụng cơ chế 115 cũng gặp phải những khó khăn. Tuy nhiên, cơ chế 115 cũng mang lại một số thuận lợi giúp Trung tâm phát huy được những thế mạnh của mình, và ngày càng phát triển toàn diện hơn.
Doanh thu tăng 7–8 tỷ đồng/năm
viện Khoa học Vật liệu ứng dụng là một trong 24 viện quốc gia trực thuộc viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cùng thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước. viện đang được đánh giá là tổ chức khoa học công nghệ công lập có tốc độ chuyển đổi nhanh sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115.
Được biết, viện chỉ ưu tiên chọn những doanh nghiệp do các nhà khoa học chuyển sang kinh doanh. viện sẽ giới thiệu với họ những công trình, các đề tài nghiên cứu mà viện không đủ tiền tiếp tục triển khai. Nếu họ chấp nhận đầu tư, viện sẽ phối hợp với họ để xây dựng mô hình hợp tác có thể sản xuất ra hàng hoá.
Mới đây, viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (phía Nam) đã chuyển giao công nghệ sản xuất biodiesel từ dầu thực vật quy mô pilot (sản xuất thử nghiệm) trị giá gần 5 tỷ đồng.
Công nghệ sản xuất biodiesel từ dầu thực vật quy mô pilot có công suất 100kg mỗi ngày được viện chuyển giao cho Tập đoàn Trường Thịnh - một đơn vị chuyên sản xuất boiodiesel và trồng cây Jatropha tại tỉnh Bình Phước với tổng giá trị 300 triệu đồng.
Ngoài ra, viện cũng đã kí ghi nhớ với hai tỉnh Đà Nẵng và Bình Dương dự án sản xuất biodiesel có công suất 1 tấn mỗi ngày với tổng trị giá bốn tỷ đồng.
viện còn được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặt hàng sản xuất thêm 1.500 lít thuốc diệt bọ đầu đen cung cấp cho người dân trong đầu mùa mưa 2009. Tổng kinh phí sản xuất số thuốc nói trên trị giá gần 100 triệu đồng.
Nhờ cách làm mới này, doanh thu của viện Khoa học Công nghệ Vật liệu ứng dụng đã tăng từ hai đến ba tỷ đồng lên bảy, tám tỷ đồng mỗi năm. Các phòng, ban đều được kiện toàn lại, trang thiết bị được sắm sửa nhiều hơn.