Sứ mệnh thức tỉnh bóng đá Đông Nam Á của ĐT Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau những thất bại liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam trở về Đông Nam Á để tranh tài tại AFF Cup. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ thành công chức vô địch thì ĐT Việt Nam còn có sứ mệnh thức tỉnh nền bóng đá khu vực để hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn trong tương lai.
Sứ mệnh thức tỉnh bóng đá Đông Nam Á của ĐT Việt Nam
ĐT Việt Nam thi đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

ĐT Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á tranh tài ở vòng loại thứ 3 Wold Cup 2022 khu vực châu Á. So với các đối thủ trong khu vực, thầy trò HLV Park Hang Seo có sự chuẩn bị rất chu đáo cho chiến dịch AFF Cup 2020. Bởi vì, chúng ta được so tài với những đối thủ mạnh của châu lục, trong khi những đại diện còn lại của khu vực toàn phải tập chay hoặc thi đấu giao hữu với những quân xanh không thực sự chất lượng.

Mặc dù ĐT Việt Nam có chuỗi 6 trận thua liên tiếp ở vòng loại thứ 3 World Cup 20220 khu vực châu Á, nhưng chúng ta đã có cho mình những bài học quý giá, rút ra được những kinh nghiệm xương máu để có thể phát triển hơn trong tương lai, hướng đến những nhiệm vụ và mục tiêu cao hơn.

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng: “ĐT Việt Nam tranh tài ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 giúp chúng ta có nhiều thuận lợi. Các cầu thủ thi đấu với những đội bóng mạnh thì tích lũy được kinh nghiệm và phát triển hơn. Thông qua những trận đấu này thì khả năng thích nghi, tiếp cận trận đấu và thực chiến của các cầu thủ sẽ tốt hơn so với những đối thủ khác trong khu vực. Về mặt chiến thuật, chúng ta đúng rút ra được nhiều bài học, nhiều ý tưởng hơn trong cách chơi”.

Ông Phan Anh Tú cũng cho rằng, việc chúng ta liên tiếp thất bại ở vòng loại thứ 3 không ảnh hưởng quá nhiều tới tâm lý của các cầu thủ: “Theo tôi ĐT Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều về mặt tâm lý sau những trận thua liên tiếp ở vòng loại thứ 3, bởi chúng ta thua những đối thủ rất mạnh của châu lục. Với những gì thể hiện, tôi cho rằng ĐT Việt Nam tiến bộ rất nhiều. Do đó, tôi nghĩ rằng các cầu thủ không bị ảnh hưởng về tâm lý khi về đá AFF Cup 2020. Có lẽ, vấn đề lớn nhất của ĐT Việt Nam chính là áp lực phải giành chức vô địch mà thôi”.

Những phân tích của chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú là hoàn toàn có cơ sở vì thực tế ĐT Việt Nam thua trận, nhưng những gì mà thầy trò HLV Park Hang Seo thể hiện tốt lên sau từng trận đấu. Việc được đối đầu với những đối thủ mạnh, nhiều trường phái bóng đá khác nhau, chiến thuật khác nhau giúp các cầu thủ có thể phản ứng linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn.

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” rất đúng với ĐT Việt Nam ở thời điểm này. Bởi sau nhiều năm đi chứng minh năng lực ở khu vực tại các sân chơi SEA Games, AFF Cup thì 6 trận đấu ở vòng loại thứ 3 là 6 bài học lớn giúp bóng đá Việt Nam biết rõ được thực lực, điểm mạnh, điểm yếu của mình để tiến bộ hơn trong tương lai.

Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia, Thái Lan hay Việt Nam là những nền bóng đá đặt mục tiêu tầm châu lục và tham vọng giành vé dự VCK World Cup. Nếu như Thái Lan tiến đến vòng loại cuối của World Cup 2018 thì Việt Nam cũng làm điều tương tự ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn về mặt trình độ khiến Thái Lan và Việt Nam trở thành đội lót đường ở bảng đấu của mình. Bằng chứng là năm 2018, Thái Lan chỉ giành được 2 điểm/10 trận đấu ở vòng đấu bảng còn Việt Nam chưa có điểm nào sau 6 trận tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

ĐT Thái Lan thất bại ở vòng loại thứ 3 World Cup 2018.

Bởi vậy, “Voi chiến” và “Những ngôi sao vàng” lại ngược biển lớn trở về “ao làng” tìm lại niềm vui. Mặc dù có những trận đấu bổ ích ở vòng loại thứ 3, nhưng khách quan đánh giá, việc tìm được niềm vui ở AFF Cup 2018 với Thái Lan, đặc biệt là Việt Nam không hề dễ dàng.

Nhà báo Minh Hải cho rằng: “ĐT Việt Nam thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á vừa có lợi và bất lợi khi vào tranh tài ở AFF Cup 2020. Chúng ta có lợi vì được tập trung, tập luyện và thi đấu liên tục, đối đầu với những đối thủ mạnh giúp các cầu thủ cải thiện được đẳng cấp của mình.

Tuy nhiên, thông qua những trận đấu trên chúng ta bị các đối thủ nghiên cứu và tìm ra điểm yếu để khai thác. Đó còn chưa kể đến, sau 6 trận thua liên tiếp, tinh thần, cảm xúc của các cầu thủ cũng đi xuống. Một số cầu thủ như Đức Chinh hay Phan Văn Đức cũng gặp vấn đề về tâm lý”.

Bên cạnh những vấn đề được đề cập ở trên thì yếu tố khách quan là các đối thủ của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2020 cũng có sự chuẩn bị chu đáo và rất quyết tâm giành thành tích cao ở giải đấu năm nay. Những Malaysia, Indonesia đã có chuyến tập huấn và thi đá giao hữu thu được kết quả khả quan.

Dưới thời HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam duy trì thành tích bất bại trước các đại diện của khu vực. Malaysia hay Indonesia đều là những bại tướng của ĐT Việt Nam  ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022, nhưng “Những ngôi sao vàng” không được phép chủ quan, bởi các đội bóng này, đặc biệt là Indonesia đã tiến bộ rất nhanh trong thời gian qua.

Ngoài ra, Thái Lan sau những thất bại liên tiếp ở sân chơi châu lục, khu vực và núp bóng Việt Nam cũng quyết tâm vô địch để trở lại ngôi vị đỉnh cao. Việc HLV Alexandre Poking triệu tập những cầu thủ tốt nhất của bóng đá Thái Lan, kể cả những ngôi sao thi đấu ở nước ngoài về đá AFF Cup 2020 đã cho thấy tham vọng của người Thái.

Đánh giá về ĐT Thái Lan, nhà báo Minh Hải cho rằng: “ĐT Thái Lan đang rất quyết tâm lấy lại vị thế của mình và chưa bao giờ khát khao vô địch của người Thái ở AFF Cup lại lớn như bây giờ. Trước kia họ đến AFF Cup để dạo chơi, thậm chí mang đội hình dự bị đi tranh tài, nhưng ở giải đấu này họ triệu tập những con người tốt nhất. AFF Cup 2020 diễn ra vào thời điểm không phải FIFA days, nhưng các ngôi sao của Thái Lan chơi bóng ở nước ngoài vẫn xin về ĐTQG để thi đấu, điều này cho thấy được khát khao và quyết tâm của người Thái”.

Khó khăn và thử thách dành cho ĐT Việt Nam trong hành trình tìm lại niềm vui ở bóng đá khu vực là điều thấy rõ, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng: “ĐT Việt Nam có cơ hội để bảo vệ thành công chức vô địch, nhưng sẽ không dễ dàng. Bởi vì trình độ của các đội bóng ở Đông Nam Á với Việt Nam cũng chỉ một chín, một mười. ĐT Việt Nam có thể xếp hạng cao hơn, được đánh giá cao hơn, có dàn cầu thủ chất lượng tập luyện, thi đấu với nhau nhiều năm và huấn luyện viên giỏi, nhưng trong bóng đá một chín, một mười chưa nói nên được điều gì. Chúng ta có cơ hội bảo vệ chức vô địch AFF Cup 2020, nhưng phải thận trọng, không được phép chủ quan. Bởi vì trong bóng đá, đội bóng mạnh hơn, đá hay hơn chưa chắc đã vô địch”.

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú phân tích hoàn toàn xác đáng. Nếu nhìn trên bảng xếp hạng FIFA thì thứ hạng của các đội bóng Đông Nam Á có khoảng cách khá xa, nhưng thực tế thì trình độ của các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á không có sự chênh lệch nhiều. Bằng chứng là dù có 10 đội tham gia tranh tài, nhưng phân nửa trong số đó đặt mục tiêu giành chức vô địch.

Nếu như ĐT Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch AFF Cup 2020, chúng ta sẽ theo chân Thái Lan và Singapore, những đội đã có 2 lần liên tiếp xưng vương ở sân chơi khu vực. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra sau chức vô địch này là gì? Chúng ta thu được lợi gì từ sân chơi này?

ĐT Việt Nam nâng cao chức vô địch AFF Cup 2018

Từ sân chơi SEA Games cũng như AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup), các quốc gia khu vực Đông Nam Á muốn tạo ra một sân chơi riêng, vừa tầm với mình để thi đấu cọ xát, tăng cường mối quan hệ và sau đó mới là bàn đạp để hướng tới những sân chơi châu lục và trên thế giới.

Tuy nhiên, công tác tổ chức ở các giải đấu tại khu vực lại chưa thực sự kíc‌h thí‌ch được sự phát triển nền thể thao nội tại của các quốc gia. Nếu như SEA Games, các nước chủ nhà cố gắng nhồi nhét những môn thể thao nội địa để “vơ vét” huy chương thì ở môn thể thao vua, nước chủ nhà cũng liên tục gây bất lợi khi xếp giờ thi đấu, bố trí sân bãi, làm mọi thứ gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh và làm sao cho mình có lợi nhất để dễ bề lên ngôi vô địch.

Những năm trở lại đây, AFF Cup đã có sự cải tiến về cách thức tổ chức khi thi đấu lượt đi, lượt về và tổ chức sân nhà sân khách, nhưng tư duy “bệnh thành tích” ở khu vực vẫn chưa được cải thiện. Điều này đã làm kìm hãm sự phát triển của bóng đá khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan và Việt Nam là những đội đã tranh tài và hít thở bầu không khí ở vòng loại cuối của World Cup khu vực châu Á. Sau những trận thua trước các đối thủ hàng đầu châu lục, “Voi chiến” và “Những ngôi sao vàng” biết rõ bản thân và bóng đá khu vực còn thiếu những gì để nâng tầm nền bóng khu vực.

BLV Quang Huy phân tích: “Bóng đá Đông Nam Á đang là cuộc đua song mã giữa Việt Nam và Thái Lan. Hiện tại, chúng ta có thành tích, nhưng Thái Lan có thể đuổi kịp và bứt lên mình bất cứ lúc nào. Và sự ganh đua của Việt Nam với Thái Lan sẽ giúp ích rất tốt cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Theo tôi, Việt Nam và Thái Lan là hai anh cả của bóng đá Đông Nam Á và khi đã chứng minh được khả năng của mình thì tất nhiên các đội họ sẽ nhìn vào để phát triển bản thân. Hy vọng rằng, sau khi đã tham dự vòng loại thứ 3 World Cup về thì Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục thể hiện được khả năng. ĐT Việt Nam nếu bảo vệ được chức vô địch sẽ tạo ra một hình ảnh đẹp để các đội bóng khu vực nhìn vào đó học hỏi”.

Rõ ràng, ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan với tư các là anh cả của khu vực Đông Nam Á thì khi bước AFF Cup 2020 không đơn thuần chỉ là giành chức vô địch. Thay vào đó, với những kinh nghiệm đúc rút được sau khi đối đầu với các nền bóng đá hàng đầu châu lục, sứ mệnh của “Những ngôi sao vàng” và “Voi chiến” là thức tỉnh bóng đá khu vực, truyền cảm hứng để các đội thay vì dùng tiểu xảo, chơi chém đinh chặt sắt sẽ cùng nhau chơi đẹp hơn, hay hơn để tiến bộ hơn vì mục tiêu đưa bóng đá Đông Nam Á sánh vai với các cường quốc châu lục và xa hơn là mục tiêu giành vé dự VCK World Cup trong tương lai

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật