Đắk Lắk quy hoạch đồng bộ đô thị kết hợp tái cơ cấu nền kinh tế

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, chính quyền tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung cho công tác quy hoạch các đô thị trọng điểm ở địa phương, kết hợp tái cơ cấu đồng bộ nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Đắk Lắk quy hoạch đồng bộ đô thị kết hợp tái cơ cấu nền kinh tế
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo Trung

Chú trọng công tác quy hoạch đô thị

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk: Trong 9 tháng qua tỉnh đã xây dựng Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030; tham mưu dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn đến năm 2030; đưa nội dung kế hoạch phát triển huyện Ea Kar lên thị xã vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trong Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh.

Ngoài ra, địa phương còn triển khai đầu tư khu vực phát triển đô thị Đông - Bắc thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk); lập Chương trình phát triển đô thị thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar); triển khai kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư cho 5 dự án trọng điểm khác.

Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ quan tâm, chấp thuận bổ sung tuyến cao tốc trọng điểm như Buôn Ma Thuột - Nha Trang (Khánh Hòa), cao tốc Buôn Ma Thuột - Liên Khương (Lâm Đồng), cao tốc Buôn Ma Thuột - Phú Yên vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Một đoạn Quốc lộ 26 từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa. Ảnh: Bảo Trung

Riêng tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 21.10, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức buổi Họp trực tuyến để nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của tuyến cao tốc này.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng tuyến cao tốc là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên nói chung. Dự án là bước tiến quan trọng để đưa đô thị Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (Kết luận 67 của Bộ Chính trị - PV).

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc có tổng chiều dài 130 km, điểm đầu tại Cảng Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối tại đường cao tốc Bắc Nam phía Tây TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), quy mô 4 làn xe.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, bên cạnh các phương án về kỹ thuật của dự án, đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Đắk Lắk cần phối hợp làm rõ sự cần thiết của việc xây dựng tuyến cao tốc này. Trong đó, các bên cần đánh giá được hiện trạng Quốc lộ 26 hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bộ đề nghị UBND tỉnh giao các đơn vị liên quan hỗ trợ đơn vị tư vấn hòa thiện các bước cần thiết trước khi trình bày dự án với Hội đồng thẩm định Nhà nước.

Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế

Song song với việc tiến hành quy hoạch bài bản các đô thị trọng điểm ở địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk thời gian đến sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án "Tái cơ cấu ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh" giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030 trên khắp các ngành, lĩnh vực.

Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tập trung phát triển doanh nghiệp, thu hút các dự án đầu tư, nhất là các dự án nhanh tạo ra sản phẩm; rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đóng góp chung cho tăng trưởng.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang là mục tiêu trọng điểm mà tỉnh Đắk Lắk hướng đến trong những năm tới. Ảnh: B.T

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thông tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản; chú trọng phát triển các vùng sản xuất có quy mô lớn, tập trung, hình thành vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao.

Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phải phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật