Không dùng hó‌a chấ‌t, dân xứ Nghệ có cách “cực chất” để ủ hồng xiêm

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến với thôn Khe Tín, xã Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An), nhiều người khá ngạc nhiên khi biết đặc sản của vùng quê này là hồng xiêm Xuân Đỉnh. Theo người dân ở đây, cách dấm hồng xiêm là khâu quan trọng quyết định đến vị ngon của quả hồng xiêm.
Không dùng hó‌a chấ‌t, dân xứ Nghệ có cách “cực chất” để ủ hồng xiêm
Thời điểm này hồng xiêm ở Khe Tín đang vào thời kỳ thu hoạch. Ảnh: Minh Hạnh

Cách trung tâm thị trấn Con Cuông chừng hơn 10 km, ấn tượng đầu tiên của thôn Khe Tín là những vườn hồng xiêm lâu năm phủ một màu xanh mướt. Tìm hiểu được biết, cây hồng xiêm được trồng trên vùng đất này vào những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó có một người dân trong thôn mang giống từ miền Bắc về trồng ở vườn nhà. Thấy loại cây này dễ trồng, cho quả ngọt nên sau đó người này chiết cành, nhân giống cho một số hộ dân trong thôn cùng trồng.

Ông Trần Doãn Dần là một trong những người gắn bó lâu năm với cây hồng xiêm ở thôn Khe Tín. Năm 1997, trên diện tích đất vườn của gia đình, ông bắt đầu trồng loại cây này, ban đầu chỉ trồng 3 cây, dần dần tự tìm cách học hỏi kinh nghiệm, nhân cây giống về trồng. Hiện tại gia đình có 30 gốc. Mấy năm trước thời tiết thuận lợi, 30 gốc hồng của gia đình cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.  

Ông Dần cho biết hồng xiêm là loại cây dễ trồng, kỹ thuật chăm sóc cũng đơn giản. Những cây trồng khác sau khi thu hoạch vài vụ là thoái hóa. Còn cây hồng xiêm thì càng lâu năm càng xanh tốt. Trong vườn ông hầu hết là những cây có tuổi thọ lên tới 20 năm. Đây cũng là loại cây nhiều nhựa nên khó bị sâu bệnh, nếu có chỉ là sâu đục thân và bệnh muội đen lá. Khi có sâu bệnh cũng chỉ phun thuốc 1-2 lần/năm.

Cũng theo ông Dần, một số hộ dân trong thôn cũng đã thử trồng một số giống hồng nhưng có thể thấy giống hồng xiêm Xuân Đỉnh (Từ Liêm - Hà Nội) là ngon nhất. Và hiện ở Khe Tín người dân chủ yếu trồng giống hồng xiêm này. Hồng xiêm Xuân Đỉnh quả không to lắm mà thon đều, vỏ mỏng màu vàng đất. Chính vì vỏ mỏng nên thớ hồng xiêm dày, mọng. Khi chín vị ngọt lịm, thơm lâu.

Từ chỗ chỉ một vài hộ trồng, hiện nay ở thôn Khe Tín có 65/79 hộ trồng hồng xiêm. Hộ nhiều nhất có 30 gốc. Ảnh: Minh Hạnh

Cách nhà ông Dần không xa, gia đình bà Chu Thị Mỹ cũng trồng hồng xiêm gần 20 năm nay. Với gần 10 gốc hiện có, mỗi năm cũng mang về cho gia đình thêm khoản thu gần 5 triệu đồng. Theo bà Mỹ, cách dấm hồng xiêm là khâu quan trọng quyết định đến vị ngon của quả hồng xiêm.

Để có một mẻ hồng chín đều, ngọt, thơm và đẹp mắt thì người trồng phải mất khá nhiều công: Khi trẩy hồng đem dấm chín phải chọn quả già, tròn đều, vỏ căng và nhẵn bóng có màu hơi đỏ hồng rồi đem ngâm vào nước mát khoảng 10 phút cho phấn hồng bong ra. Khi rửa hồng phải chọn miếng vải hoặc vải mút mềm, lau đều tay tránh cho vỏ hồng bị xước. Hồng rửa sạch đem phơi chỗ có nắng, thoáng cho ráo hẳn nước rồi mang vào dấm. Sau khi xếp hồng vào chum hoặc vại người dân nơi đây thường đốt một bó nhang, bẻ gãy cho vào cái bát, đặt trong chum rồi đậy kín lại, tránh mở nhiều lần.

Hồng xiêm sau khi hái xuống người dân đem ủ chín mới đem bán. Ảnh: Bá Hậu

Từ hiệu quả kinh tế của cây hồng xiêm mà hiện nay có đến 65/79 hộ dân thôn Khe Tín trồng trồng loài cây này. Gia đình ít nhất cũng có từ 5 - 10 gốc, nhiều nhất 30 gốc. Giá cao nhất của 1 kg hồng xiêm chín thời điểm này là 30.000 đồng. Mỗi năm, một cây bình quân cho từ 30 - 40 kg. Hồng xiêm chủ yếu được người dân đem bán trong huyện và một số địa phương lân cận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật