Không quân Mỹ kiệt quệ vì tiêm kích F-35, ngân sách tăng chóng mặt

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc Lockheed Martin tăng giá bán F-35A có thể đẩy không quân Mỹ vào những khó khăn mới khi ngân sách cho tiêm kích tàng hình này đã vượt mục tiêu ban đầu.
Không quân Mỹ kiệt quệ vì tiêm kích F-35, ngân sách tăng chóng mặt
tiêm kích tàng hình F-35 của quân đội Mỹ trong một màn trình diễn “voi đi bộ“. (Ảnh: Business Insider)

Theo cây bút Sebastien Roblin của tờ Forbes, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II tiếp tục trở thành đề tài gây tranh cãi tại Mỹ. Những người ủng hộ cho rằng giá của mẫu máy bay này đang giảm dần theo cam kết của Lockheed Martin sau 5 năm kể từ khi đưa biến thể F-35A được không quân Mỹ đưa vào trang bị (2016). Tuy nhiên những ý kiến phản bác lại đưa ra những thông tin cho thấy điều này sẽ sớm kết thúc sau năm tài khóa 2021.

Cụ thể, trong cuối tháng 7 vừa qua, Giám đốc tài chính Lockheed Martin Kenneth Possenriede đưa ra một báo cáo cho thấy yếu tố lạm phát lẫn việc không quân Mỹ muốn bổ sung thêm các tính năng cho máy bay đang đẩy chi phí cho mỗi chiếc F-35A tăng mạnh trong thời gian tới so với mức giá khiêm tốn hiện tại.

F-35A – là biến thể dành cho không quân Mỹ, có mức giá khoảng 78 triệu USD/mỗi chiếc cũng là phiên bản F-35 rẻ nhất.

Tuy nhiên, ông Posenriede vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng các biến thể F-35B cho thủy quân lục chiến và F-35C cho hải quân vốn đắt đỏ hơn sẽ vẫn ổn định hoặc tiếp tục giảm.

Điều gì khiến F-35 tăng giá?

Đúng là lạm phát ở Mỹ trong quý III năm 2021 đã lên mức 5,4%, cao hơn nhiều so mới mức 1-2% cùng kỳ các năm trước đó. Hơn nữa, một phần chương trình nâng cấp F-35A lên Block 4 cực kỳ tốn kém, việc chế tạo máy bay ngày càng trở nên phức tạp khi nó được tích hợp thêm các thiết bị điện tử, hệ thống máy tính mới góp phần tăng chi phí sản xuất.

Đề xuất tăng giá bán F-35A đã được lãnh đạo cấp cao Lockheed Martin đưa ra từ đầu năm 2021 và họ chỉ có thể giữ nguyên mức giá hiện tại với các hợp đồng đã ký kết. Sau đó công ty này sẽ phải đàm phán lại với phía không quân Mỹ.

Bên cạnh chi phí tăng cao, việc không quân Mỹ giảm các đơn đặt hàng F-35A trong tương lai (chỉ khoảng 100 máy bay được mua mới) cũng sẽ tác động lớn đến giá bán khi chi phí duy trì dây chuyền lắp ráp tăng lên.

Trước đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch chi khoảng 400 tỷ USD cho 2.500 chiếc F-35, bao gồm 1.763 chiếc F-35A, 353 chiếc F-35B và 340 chiếc F-35C cho cả hải quân và thủy quân lục chiến. Hơn nữa, Lockheed Martin còn phải thực hiện hợp đồng xuất khẩu 900 chiếc F-35 cho các khách hàng nước ngoài trong giai đoạn từ nay đến 2046.

Tính đến đầu năm 2021, khoảng 400 chiếc F-35 đã được chuyển giao cho quân đội Mỹ, 200 chiếc khác cho 15 khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, cái khó của Lầu Năm Góc là họ không thể ký các hợp đồng sản xuất dài hạn để đẩy nhanh quá trình chuyển giao khi hệ thống huấn luyện cho F-35 chưa được hoàn thiện.

Ở mức giá 78 triệu USD, chi phí ban đầu của một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A thấp hơn các chiến đấu cơ thế hệ 4, 4++ thông thường của phương Tây như Rafale, Typhoon, Gripen-E và F-15EX vốn có mức từ 85 triệu USD đến 100 triệu USD/mỗi chiếc. Dù vậy các máy bay này lại có lợi thế về hiệu suất chiến đấu hơn F-35.

F-35A,biến thể dành cho không quân. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Tuy nhiên, đơn giá trên của F-35A không bao gồm chi phí phụ tùng, cơ sở hậu cần đi kèm. Điều này có thể thấy rõ qua các đơn đặt hàng F-35A trong năm 2021, nếu tính tổng chi phí con số không quân Mỹ phải bỏ ra cho mỗi máy bay là 110 triệu USD.

Nhìn chung, việc Lockheed Martin tăng giá F-35A không phải là vấn đề chính, vì chi phí mua sắm chỉ chiếm chưa đến một phần tư trong tổng số 1,7 nghìn tỷ USD chi phí vòng đời dự kiến của chương trình F-35.

Thay vào đó, một báo cáo do Văn phòng Giải trình trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) công bố vào đầu tháng 7 đã cảnh báo rằng chi tiêu cho việc duy trì hàng ngàn chiếc F-35 có thể lên đến 1,27 nghìn tỷ USD và nó sẽ tác động xấu đến ngân sách của Lầu Năm Góc.

Số liệu về ngân sách cho F-35 hàng năm trong báo cáo của GAO. (Ảnh: GAO)

Giảm ngân sách duy trì?

Theo GAO, kể từ năm 2012, chi phí duy trì vòng đời dự kiến cho những chiếc F-35 đã tăng hơn 150 tỷ USD từ 1,1 lên 1,27 nghìn tỷ USD. Đến năm 2036, chi phí hoạt động của một phi đội F-35 mỗi năm sẽ tiêu tốn của Lầu Năm Góc 4,4 tỷ USD.

Trong các biến thể, F-35A là phiên bản vận hành ít tốn kém nhất nhưng chúng cũng đã ngốn khoảng 7,8 triệu USD/mỗi năm. Theo GAO con số này cao hơn 3,7 triệu USD so với mục tiêu ban đầu của không quân Mỹ.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không quân Mỹ bắt buộc phải giảm 47% chi phí vận hành cho mỗi máy bay thì họ mới có đủ ngân sách để chi trả cho các phi đội F-35A. GAO cho rằng ngay cả khi phụ tùng thay thế được miễn phí thì ngân sách cho F-35A vẫn vượt mức chi tiêu đã đề ra trước đó.

Chi phí bảo dường và vận hành mỗi chiếc F-35 hàng năm "ngốn" không ít ngân sách của Lầu Năm Góc. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Về các biến thể khác, F-35B có mức chi phí 9,1 triệu USD/mỗi năm, vượt ngân sách 2,3 triệu USD. F-35C vào khoảng 9,9 triệu USD/mỗi năm, vượt ngân sách 1,1 triệu USD.

Từ những con số trên báo cáo của GAO hoài nghi về những đảm bảo của Lockheed Martin trong việc giảm giá bán F-35 theo thời gian, mọi nỗ lực cắt giảm chi phí đều không thể thực hiện bởi chiến đấu cơ này vẫn đang được hoàn thiện và nâng cấp.

Thế nhưng, Văn phòng chương trình hỗn hợp (JPO) nơi điều phối việc phát triển và mua sắm F-35 lại không đồng tình với báo cáo của GAO, họ khẳng định rằng chi phí cho vòng đời của F-35 chỉ tăng 42,8 tỷ USD (theo số liệu nội bộ năm 2012). JPO cũng lập luận rằng những thay đổi đối với mục tiêu ngân sách liên quan đến việc kéo dài thời gian phục vụ của F-35 từ năm 2064 đến năm 2077 và tăng số giờ bay chung. Điều này khiến chi phi vòng đời tăng mạnh.

Phía JPO cũng cho biết rằng chi phí vận hành mỗi giờ bay của F-35 đã giảm từ 38.000 USD xuống còn 33.300 USD vào năm 2020. Tuy nhiên nếu với tỉ giá USD năm 2012 thì con số này hiện nay cũng không thấp hơn 39.000 USD/mỗi giờ bay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật