Các gói hỗ trợ triển khai cùng lúc - “Liều thuốc” tiếp sức người dân, doanh nghiệp vượt bão COVID-19

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo chuyên gia, các gói hỗ trợ bổ sung được triển khai cùng một lúc vào thời điểm này đều là những giải pháp kịp thời và cần thiết với người dân, doanh nghiệp.
Các gói hỗ trợ triển khai cùng lúc - “Liều thuốc” tiếp sức người dân, doanh nghiệp vượt bão COVID-19
Một học sinh ở TP Hồ Chí Minh đang tham gia lớp học trực tuyến. (Ảnh: NLĐ)

Để đối phó với dịch bệnh, sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Với nền kinh tế cũng vậy, đợt dịch lần thứ 4 với biến chủng mới với nhiều khó khăn là lúc người dân và doanh nghiệp cần những liều thuốc hỗ trợ hơn bao giờ hết.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, chiều 2/8, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đã công bố gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trị giá 10.000 tỷ đồng, chính thức được triển khai trên toàn quốc.

Triển khai gói hỗ trợ viễn thông trị giá 10.000 tỷ đồng

Gói hỗ trợ này sẽ được áp dụng cho khách hàng trên toàn quốc với các giải pháp như: tiếp tục tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước. Ngoài ra, 3 nhà mạng lớn nhất hiện nay là Viettel, VNPT và MobiFone cũng có các kế hoạch hỗ trợ khác trong giai đoạn này.

"Viettel sẽ tặng 50 phút gọi nội mạng cho tất cả khách hàng trong vùng dịch theo Chỉ thị 16, tặng 50% dung lượng data cho tất cả khách hàng toàn quốc trong gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới. Mở chiều gọi đối với khách hàng trả sau trong gói cước và mở chiều nhận cuộc gọi của khách hàng trả trước định kỳ khóa 2 chiều", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết.

"MobiFone cũng sẽ không ngừng tăng cường và tối ưu chất lượng mạng lưới, các khu vực cách ly phong tỏa để đảm bảo nhu cầu giải trí và thông tin liên lạc của người dân tại các khu này trong thời gian giãn cách xã hội", Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam cho hay.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chương trình hỗ trợ, khuyến mại tăng kết nối cho người dân lúc này thực sự hữu ích và thiết thực, qua đó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

"Người dân dùng nhiều hơn dịch vụ viễn thông, Internet tức là chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Việc tăng 50% dung lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng sẽ là thách thức với các nhà mạng. Nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà mạng tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau COVID-19", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng sẽ chính thức được triển khai từ ngày 5/8 tới đây và kéo dài trong 3 tháng. Cũng trong thời gian này, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với các doanh nghiệp viễn thông sẽ ra mắt 17 nền tảng công nghệ, dịch vụ mới để hỗ trợ người dân trong phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi phải làm việc, học tập, hay giao dịch từ xa, gói hỗ trợ viễn thông được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để cả người dân và doanh nghiệp đảm bảo năng suất công việc.

Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ gói hỗ trợ viễn thông

Thời điểm này, hàng trăm phóng viên, biên tập viên VTV đang làm việc từ xa. Việc tăng băng thông, giảm giá cước giúp những thông tin thời sự mới nhất sẽ kịp thời gửi về đơn vị và chuyển tới quý khán giả một cách nhanh nhất. Ước tính, thời gian gửi tin bài có thể giảm 1/2, phóng viên cũng có thể kết nối livestream trực tiếp với trường quay bằng thiết bị cá nhân mà tín hiệu vẫn đảm bảo.

Hiện tại cũng là thời điểm cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới. Việc nâng gói cước, giảm giá thành sẽ khắc phục tốt tình trạng nghẽn mạng khi hàng triệu giáo viên, học sinh sẽ truy cập trong cùng thời điểm.

"Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên công việc giảng dạy của chúng tôi phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Hàng ngày chúng tôi phải tương tác với các bạn sinh viên và phải gửi cho các bạn nhiều file video chất lượng cao, file slide bài giảng nên chính sách giảm giá cước và tăng tốc độ đường truyền đã hỗ trợ cho chúng tôi rất nhiều", Giảng viên học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Thu Trà chia sẻ.

Cũng trong ngày 2/8, theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã áp dụng giảm 50 - 75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ điện tử. Khác với những lần giảm trước, lần này, các ngân hàng thương mại được yêu cầu cụ thể là buộc phải có mức giảm các loại phí ATM, POS với mức giảm tối thiểu như mức giảm của NAPAS.

"NAPAS sẽ thực hiện chương trình giảm phí lần thứ 2 trong năm 2021, có hiệu lực từ 1/8 đến hết năm 2021, với mức giá từ 50 - 75%", Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia (NAPAS) Nguyễn Hoàng Long nhận định.

Bên cạnh gói hỗ trợ viễn thông và giảm phí của ngành ngân hàng, ngày 2/8 cũng là ngày đầu tiên gói hỗ trợ tiền điện chính thức có hiệu lực, với trị giá ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng, dành trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, với các mức giảm 10 - 15%. Thậm chí, các cơ sở cách ly y tế được giảm 100%, áp dụng trong tháng 8 và tháng 9.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ cũng tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt nhằm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là tại những nơi đang thực hiện giãn cách.

Từ khóa chung cho những gói hỗ trợ này đó là thiết yếu, bởi chúng đều trực diện và nhắm tới mọi đối tượng, đặc biệt là những đối tượng có thu nhập thấp.

Bộ Tài chính dự thảo hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp

Còn với doanh nghiệp hay cá nhân, hộ kinh doanh, theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính ngày 2/8, gói hỗ trợ tài khóa tiếp theo sẽ có giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng, cũng nhắm tới những hỗ trợ sát sườn nhất.

Theo đó, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với mọi cá nhân và hộ kinh doanh; đồng thời giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm nay.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, gói hỗ trợ tài khóa tiếp theo sẽ có giá trị khoảng 20.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Theo chuyên gia, tất cả các gói hỗ trợ bổ sung được triển khai cùng một lúc vào thời điểm này, từ điện, nước, viễn thông, phí chuyển tiền, hay thuế, phí đều là những giải pháp vô cùng kịp thời và cần thiết đối với người dân, doanh nghiệp.

Những chính sách hỗ trợ mới nhắm đến trúng đối tượng

"Yêu cầu của xã hội hiện nay là phải có biện pháp. Các biện pháp phải nhanh, đi ngay vào cuộc sống và người dân thấy là được hỗ trợ ngay lập tức. Do đó, các biện pháp giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, thì ngay lập tức không cần một bộ máy mới, không cần xét đến điều kiện, toàn bộ người dân đều được hưởng", giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Nguyễn Xuân Thành cho hay.

"Đối với các doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận mà lợi nhuận giảm, thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa. Còn đối với doanh nghiệp vẫn tiêu thụ được hàng hóa dịch vụ nhưng lợi nhuận không có, hoặc lỗ thì lại giảm thuế giá trị gia tăng. Đối với hộ kinh doanh mà điều kiện kinh doanh khó khăn thì được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng. Như vậy, từng nhóm chính sách tác động đến từng loại đối tượng. Như vậy, đây là một gói hỗ trợ rất tổng thể", ông PGS. TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính, nhận định.

Cũng như ngành y tế đang phải bền bỉ với việc thực hiện 5K, với chiến dịch tiêm chủng để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, trên mặt trận kinh tế, các gói hỗ trợ nhằm gia tăng sức chống chịu của người dân và doanh nghiệp là đòi hỏi sống còn để cả nền kinh tế có thể trụ vững chờ bước đà phục hồi hậu đại dịch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật