Mưa lớn trút xuống nhiều quốc gia châu Á

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính gây ra những đợt mưa lớn triền miên.
Mưa lớn trút xuống nhiều quốc gia châu Á
Mưa lớn gây ngập lụt ở Mumbai, Ấn Độ.  
Nhiều quốc gia châu Á đã và đang tiếp tục rơi vào cảnh ngập lụt. Nếu như đợt mưa lớn được cho là “ngàn năm có một” bắt đầu từ ngày 20/7 đối với thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), tiếp đó đã “lan” sang Philippines, rồi tiếp tục trút nước xuống nhiều quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Afghanistan.

Bắt đầu từ đêm 25/7, mưa to trút xuống nhiều vùng ở Afghanistan, trong khi quốc gia này đang hứng chịu nhiều cuộc tấn công của Taliban. Truyền thông nước này đưa tin, ít nhất 40 người thiệt mạng và 150 người mất tích sau trận lũ quét nghiêm trọng tàn phá khu vực Đông Bắc thủ đô Kabul.

Nghiêm trọng nhất là tại huyện Kamdesh ở tỉnh Nuristan, nước lũ mênh mông dồn dập hết đợt này đến đợt kia. Một người dân trong vùng lũ nói với báo chí rằng, chưa bao giờ có đợt mưa khủng khiếp đến như thế. Nó vắt từ đêm sang ngày tưởng như không bao giờ ngớt.

Ngày 30/7, nhà chức trách Bangladesh cho biết lũ lụt và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 20 người, đồng thời cô lập trên 300.000 cư dân tại nhiều ngôi làng ở miền Đông Nam này. Mưa xối xả trút xuống khu vực dọc biên giới Bangladesh với Myanmar.

Người đứng đầu chính quyền huyện Cox’s Bazar, ông Mamunur Rashid, cho biết lũ lụt đã khiến khoảng 306.000 cư dân ở huyện này lâm vào cảnh cô lập. Khoảng 70 ngôi làng bị nhấn chìm trong nước lũ. Ít nhất 20 người đã thiệt mạng do lũ lụt và sạt lở đất.

Đợt mưa này bắt đầu từ đêm 26/7, đã vượt xa dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Trong ngày mưa thứ hai, khoảng 36.000 người đã phải lội nước nhằm di chuyển đến nơi trú ẩn. Trong khi còn nhiều người hơn thế phải “chôn chân” trong nhà mấy ngày vì các con đường đều bị phong tỏa.

Một đường phố ở Bangladesh.

Tương tự, nhiều ngày qua, mưa bão nghiêm trọng đã càn quét bờ biển phía Tây của Ấn Độ. Khoảng 250.000 người dân tại 3 bang là Maharashtra, Goa và Karnataka đã phải sơ tán khẩn cấp. Nhiều khu vực mất điện, giao thông và thông tin liên lạc bị chia cắt.

Thông tin ban đầu từ giới chức địa phương cho biết đã có các trận mưa lớn gây lở đất, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 159 người và hiện vẫn còn hàng chục người mất tích. Lực lượng cứu hộ của Ấn Độ đã phải ngâm mình trong lớp bùn sâu đến thắt lưng để tiếp cận những ngôi làng có người dân mắc kẹt trong lũ lụt và bùn đất do lở đất.

Maharashtra của Ấn Độ là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ này với ít nhất 149 người thiệt mạng. Hiện lực lượng cứu hộ đã tạm dừng các hoạt động tìm kiếm tại làng Taliye ở phía Đông Nam thành phố Mumbai, sau khi đã tìm được 53 th‌i th‌ể. Tại quận Satara, 29 người đã thiệt mạng trong nhiều vụ lở đất nối tiếp nhau.

Trong khi đó, ở thành phố Chiplun, mưa liên tục trút xuống khiến mực nước sông dâng cao gần 6m trong ngày đỉnh điểm. Thủ hiến bang Maharashtra Uddhav Thackeray mô tả những gì đã xảy ra ở Satara là “không thể tưởng tượng nổi”.

Còn Thủ hiến bang Goa, ông Pramod Sawant, cho rằng đây là đợt lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1982. Ở phía Nam bang Karnataka, 9 người đã chết do bị nước lũ cuốn trôi và nhiều người vẫn mất tích.

Giới khí tượng thủy văn Ấn Độ cho rằng, tình trạng biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và cường độ các trận mưa lớn hằng năm - yếu tố quan trọng giúp bổ sung lượng nước ngầm và nước tại các con sông, nhưng mặt khác lại gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Tại Myanmar, 4 bang Shan, Rakhine, Kayin và Mon cũng chịu thiệt hại nặng sau khi mưa lớn làm mực nước sông dâng cao. Trong vòng 48 giờ kể từ ngày 25/7, lượng nước mưa đo được tại bang Mon là 5,53m. Theo Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai, có khoảng 48.500 người dân Myanmar đã bị ảnh hưởng hoặc phải sơ tán vì lũ lụt.

Theo giới chuyên gia, mưa lớn chủ yếu là do tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, khi mà nhiệt độ Trái đất vẫn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mùa hè năm nay, mưa  bao phủ trên diện rất rộng từ Âu sang Á và cả một phần lục địa châu Phi. Đó là điều bất thường so với thời gian trước. Mặt khác, lượng mưa rất lớn khi một đợt mưa kéo dài 3 ngày tại châu Á đã bằng lượng mưa cả mùa hè (tính trung bình trong vòng 10 năm ở châu lục này).

Cơ quan bảo vệ người dân của Niger cho biết, mưa lớn ở nước này từ tháng 6 tới nay đã làm hàng chục người thiệt mạng và trên 26.500 người rơi vào trường hợp không nhà cửa. Cụ thể, có 12 người thiệt mạng do nhà đổ, 15 người đuối nước và 24 người thiệt mạng vì vết thương. Khu vực chịu thiệt hại nặng nhất là Maradi ở miền Đông Nam của Niger, với 10 người thiệt mạng, trong khi khu vực Agadez ở miền Bắc có 10 trường hợp thiệt mạng, còn thủ đô Niamey có 8 người thiệt mạng. 2.500 ngôi nhà bị phá hủy và khoảng 50 ngôi trường, đền thờ, cửa hàng và khu chợ bị thiệt hại do mưa lũ.

Hàng năm, những đợt mưa ngắn ngày tàn phá nặng nề đất nước khô hạn này. Năm 2020, mưa lũ đã làm 73 người thiệt mạng và dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo với 2,2 triệu người cần cứu trợ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật