Ước mơ của cô giáo Hrê dạy lớp ghép ở xóm Đèo Chim heo hút

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cô giáo Đinh Thị Kem – đại sứ của chương trình ’Điều ước cho em’ tại Quảng Ngãi chỉ mong sao điểm trường lẻ dưới chân đèo Chim Hút có nước sạch, có nhà vệ sinh, trường có tường rào, cổng ngõ...
Ước mơ của cô giáo Hrê dạy lớp ghép ở xóm Đèo Chim heo hút
Cô giáo Đinh Thị Kem - đại sứ chương trình Điều ước cho em tại Quảng Ngãi

Lớp học chia đôi bảng đen

Năm học này, cô giáo Đinh Thị Kem – điểm trường xóm Đèo Chim, GV Trường Tiểu học Nghĩa Dũng (xã Nghĩa Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đảm nhiệm lớp ghép lớp 1 và lớp 3 với 12 HS.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, ròng rã 10 năm nay, mỗi tiết lên lớp của cô Kem đều được tính sít sao từng phút, để chuyển tải bài giảng cho 2 trình độ HS khác nhau cùng trong một phòng học. Bảng đen được chia đôi. Phần bên này là những âm vần, con số của HS lớp Một. Phía bên kia là bài toán nhân chia của HS lớp Ba.

Giờ lên lớp của cô Đinh Thị Kem được tính toán sít sao để đảm bảo chương trình giảng dạy của hai lớp học của lớp ghép

“Học sinh vẫn chưa nói thạo tiếng phổ thông nên giáo viên đứng lớp phải giãn tiết, thời gian của mỗi bài học phải kéo dài để có thể luyện nói, luyện viết cho HS được nhiều hơn. Dạy lớp ghép thì GV rất vất vả, ngoài nói nhiều, di chuyển nhiều, các bước lên lớp của GV còn phải tính toán sao cho không để thời gian “chết”, cô giáo giảng bài cho lớp này thì HS lớp kia đang phải làm bài tập hoặc đọc dò lẫn nhau. HS còn nhỏ nên sự tập trung của các em không cao cũng là một khó khăn của giáo viên” – cô Kem chia sẻ.

Để đảm bảo chất lượng dạy – học, cô giáo Đinh Thị Kem dành thời lượng các tiết dạy buổi chiều để phụ đạo thêm cho HS. “Khác với điểm trường chính, các em học buổi thứ 2 không phải đóng thêm học phí. Mình chỉ mong sao HS của mình đến lớp đầy đủ, không nghỉ học, bỏ học để đủ sức theo kịp các bạn khi chuyển ra điểm trường chính học lớp 4 – lớp 5” - cô Kem cho biết.

Là con em của đồng bào Hrê, cô Kem hiểu rằng, khi kiến thức không vững, giao tiếp tiếng Việt không thành thạo mà buộc phải học chung với HS người Kinh ở điểm trường chính, các em sẽ dần có tâm lý chán nản, tự ti rồi bỏ học. Bởi vậy, cô Kem đã nhiều lần từ chối khi được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Hành Dũng điều chuyển về trường chính. “Mình là người Hrê, có thể giao tiếp, giải thích những điều các em chưa hiểu bằng tiếng mẹ đẻ thì sẽ dễ dàng hơn so với các giáo viên khác. Việc vận động HS ra lớp cũng thuận tiện hơn các GV” - cô tâm sự.

Mong HS được cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập

Sinh ra và lớn lên ở xóm nhỏ heo hút dưới chân đèo Chim Hút, hơn ai hết, cô Kem thấu hiểu những thiệt thòi, thiếu thốn của những đứa trẻ con em đồng bào Hrê. Không thông thạo tiếng phổ thông nên những ngày đầu đến trường, với HS và với cả giáo viên, đòi hỏi phải có nhiều kiên trì và sự nỗ lực để vượt qua những rào cản, giúp trẻ cảm thấy được an toàn. Đây chính là một trong những động lực để cô Kem chọn thi vào ngành sư phạm rồi trở lại quê hương dạy chữ cho con em đồng bào mình.

Cô Đinh Thị Kem thăm hỏi phụ huynh để vận động HS ra lớp sau mỗi đợt nghỉ Tết, nghỉ hè

Những năm đầu, cô Kem phải mất nhiều công sức và tâm huyết để vận động HS ra lớp. Người dân ở đây đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn khó khăn, hạn chế trong nhận thức nên nhiều khi không cho con em đến tuổi đi học đến trường hoặc cho con nghỉ học giữa chừng.

“Giờ thì nhận thức của phụ huynh đã thay đổi nhiều. Việc vận động HS ra lớp vì vậy cũng thuận tiện hơn. Nhưng để rèn cho HS thói quen trò chuyện bằng tiếng Việt thì cô giáo phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Nếu không có cô giáo, các em thường nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ nên phản xạ tiếng Việt không nhanh được. Nếu không rèn luyện thì HS của mình sẽ khó hòa nhập và tiếp thu kiến thức khi chuyển ra điểm trường chính học” – cô Kem chia sẻ.

Thỉnh thoảng, cô giáo Kem lại đi kiểm tra một lượt bàn ghế trong phòng học để... đổi những bộ bàn ghế đã bị long đinh. “May lớp chỉ có 12 HS nên còn dư để mà tráo đổi. Phòng học xuống cấp, bàn ghế cũng hư hỏng nhiều. Điểm trường của cô trò mình không có nhà vệ sinh, không có cả nước sạch. HS không có điều kiện để làm quen với môn Tiếng Anh và Tin học như các bạn cùng trang lứa ở điểm trường chính” – cô Kem trăn trở.

Năm học này, lớp của cô Kem có 2 HS phải ở với ông bà do cha mẹ li hôn. Để HS của mình bớt rụt rè do thiếu vắng sự thương yêu của ba mẹ, cô Kem theo dõi tâm sát diễn biến tâm lý của HS để kịp thời động viên, chia sẻ. Cô chăm chút cho 2 HS này từ quyển sách, tấm áo đến san sẻ cả bữa ăn sáng cho HS. Tình yêu thương của cô Đinh Thị Kem đã giúp các em gắn bó với trường lớp, bạn bè, không bỏ học giữa chừng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật