Chưa xong giấy phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một khối lượng lớn than mỗi ngày vẫn rời khỏi mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) dù đơn vị này đã hết thời hạn khai thác, được yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi có giấy phép mới.
Chưa xong giấy phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác
Con đường chuyên dụng và dân sinh chạy song song nhau

Nhiều tháng qua, tình trạng khai thác than trái phép tại mỏ than Phấn Mễ (xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) vẫn được tiến hành dù mỏ đã hết thời hạn, được yêu cầu dừng sản xuất, đóng cửa để thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mới.

Mỗi ngày, một khối lượng lớn than được đưa ra khỏi mỏ đưa đến vị trí tập kết.

Những xe tải chở than vẫn liên tục vào ra từ mỏ than Phấn Mễ đã hết thời hạn khai thác

Một người dân sinh sống liền kề với con đường chuyên dụng này xác nhận, xe chở than chạy ra, vào liên tục đi qua gia đình bà. Do xe chở nặng, con đường dân sinh của xóm bị cày xới, băm nát, bà con đi lại rất khổ cực. Ngoài ra, ô nhiễm bụi than, vật liệu thải đưa ra ngoài bãi thải ở đầu xóm khiến người dân khốn khổ vì khói bụi.

“Mấy năm trước, chúng tôi khổ sở lắm. Thanh niên trong xóm quá bức xúc đã mang cây, vật cản ra đường không cho xe đi vào; nhà máy phải làm một con đường bên cạnh để xe chở than, bà con mới bớt khổ”- bà N. cho biết. 

Thời điểm chúng tôi có mặt tại mỏ than Phấn Mễ (sáng ngày 20/1/2021), chỉ trong thời gian ngắn đã có gần chục chuyến xe chở than đi qua. Trung bình, cứ 10 phút lại có một lượt xe đầy ắp than đi ra từ mỏ.

Mỗi ngày, hàng trăm tấn than được đưa ra khỏi mỏ 

Dù chưa được cấp lại giấy phép khai thác, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch sản xuất, khai thác than trong quý 1/2021 là 37.500 tấn, trong đó 17.500 tấn than nguyên khai; 20.000 tấn than tuyển, chủ yếu bằng phương pháp khai thác hầm lò.

Để khai thác hầm lò phải sử dụng vật liệu nổ và phải có giấy phép sử dụng vật liệu nổ của Bộ Công Thương. Đây là quy định chặt chẽ mang tính bắt buộc.

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã nhiều lần gửi văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên được sử dụng vật liệu nổ để khai thác, sản xuất nhưng chưa được chấp thuận.

Cụ thể: ngày 22/5/2020, Sở Công thương Thái Nguyên nhận được Thông báo số 580 về việc sử dụng vật liệu nổ tại moong lộ thiên Bắc Làng Cẩm, mỏ than Phấn Mễ.

Ngày 29/5/2020, Sở Công thương ra văn bản số 974 không chấp thuận vì lý do, mỏ than Phấn Mễ đã hết thời hạn khai thác của giấy phép cũ, đang trong quá trình tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép mới; chỉ đủ điều kiện sử dụng vật liệu nổ vào khai thác khi đã có giấy phép mới được cấp.

Chưa hoàn thành thủ tục cấp phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác

Tiếp theo, ngày 5/8/2020, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Cục ATMT - Bộ Công Thương) có văn bản yêu cầu về công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) tại mỏ than Phấn Mễ, không cho phép mỏ than Phấn Mễ sử dụng VLN để khai thác khoáng sản khi chưa có Giấy phép mới.

Trường hợp sử dụng VLN để tạo mặt bằng xây dựng công trình hoặc đào mương thoát nước, chống xén, củng cố các đường lò hiện hữu để phục vụ cho công tác khai thác sau này thì có thể được sử dụng cho mục đích đó (nhưng chỉ giới hạn trong thời gian chờ Bộ TN-MT cấp phép).

Hàng trăm tấn than tận thu mỗi ngày?

Từ thông báo hướng dẫn trên của Bộ Công Thương, ngày 25/9/2020, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên có văn bản gửi Sở Công thương báo cáo về việc sử dụng VLN nổ để củng cố, chống xén, sửa chữa các đường lò, cải tạo bờ tầng mỏ than Phấn Mễ.

Sở Công thương Thái Nguyên chấp thuận căn cứ trên công văn hướng dẫn của Cục ATMT.

Chưa hoàn thành thủ tục cấp phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác

Tuy nhiên, Sở này yêu cầu, Cty CP Gang thép Thái Nguyên, mỏ than Phấn Mễ chỉ được sử dụng VLN nổ vào mục đích gia cố mỏ, củng cố, chống xén sửa các đường lò đã thi công; phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và phải thông báo với chính quyền địa phương, các hộ dân xung quanh… khi tiến hành gây nổ.

Như vậy, việc gia cố các đường lò để phục vụ việc khai thác sau khi được Tổng cục Địa chất Khoáng sản cấp phép mới, không thể ra khối lượng than lớn mỗi ngày.

Ngoài ra, đơn vị này cũng tự ý chuyển hình thức khai thác từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò khi chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt. Phương pháp khai thác này đe dọa tới an toàn lao động.  

Giải thích nội dung này, Trưởng phòng kỹ thuật an toàn môi trường (Sở Công thương Thái Nguyên) Đỗ Huy Cương xác nhận, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này vẫn chưa hoàn tất thủ tục cấp phép mới theo yêu cầu.

Chưa hoàn thành thủ tục cấp phép, mỏ than Phấn Mễ vẫn tiến hành khai thác

Vì sao vẫn số lượng lớn than được đưa ra bãi tập kết mỗi ngày, ông Cương giải thích: trong quá trình gia cố, xén sửa các đường lò thì có than tận thu. Tuy nhiên, khối lượng than là bao nhiêu chưa có số liệu cụ thể.

"Số than tận thu này doanh nghiệp không được sử dụng, mà phải bảo vệ, bàn giao cho nhà nước quản lý. Sở cũng đã kiểm tra thực địa, có biên bản kết luận" - ông Cương khẳng định.

Ngày 6/8/2020, Sở Công thương đã thành lập đoàn công tác kiểm tra tại mỏ than Phấn Mễ. Tại biên bản kiểm tra, Sở Công thương tiếp tục yêu cầu đơn vị phải sử dụng  vật liệu nổ đúng mục đích vào việc củng cố các đường lò hiện hữu, đào mương thoát nước, chống xén... như yêu cầu của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) tại công văn ngày 5/8/2020.

Sở Công thương cũng yêu cầu Công ty CP Gang thép Thái Nguyên phải dừng ngay việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác than mỡ bằng phương pháp hầm lò tại các điểm: khu vực giếng XI, vành đai M3 và núi Tản (xã Hà Thượng, huyện Đại Từ); khai thác than mỡ tại bằng phương pháp hầm lò tại khu vực Cánh Chìm.

Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để sửa chữa, cải tạo hạ tầng mỏ của Mỏ than Phấn Mễ có thời hạn đến hết ngày 31/3/2021

GĐ Mỏ than Phấn Mễ Nguyễn Xuân Tú cho biết, mỏ than Phấn Mễ chỉ là đơn vị trực thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, thực hiện kế hoạch sản xuất theo chỉ đạo. Thủ tục xin cấp phép như thế nào do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, ông Tú không được biết và không được quyền phát ngôn.

Ngày 2/10/2020, Cục ATMT tiếp tục có công văn số 1274 với nội dung: Theo đề nghị của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên về việc xin phép được tiếp tục sử dụng VLNCN để củng cố, chống xén, sửa các đường lò, xử lý than tự cháy, cải tạo bờ tầng đưa mỏ về trạng thái an toàn tại mỏ than Phấn Mễ vì lý do Giấy phép sử dụng VLNCN đã hết thời hạn. Đơn vị đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy phép khai thác tài nguyên tại mỏ than Phấn Mễ.

Căn cứ ý kiến của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tại Biên bản kiểm tra ngày 29/9/2020, Cục ATMT đồng ý để đơn vị tiếp tục được sử dụng VLNCN trong thời gian hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép khai thác.Thời hạn của giấy phép sử dụng VLNCN đến ngày 31/3/2021.

Cục ATMT khẳng định, giấy phép sử dụng VNLCN nhằm mục đích gia cố hạ tầng mỏ, không phải mục đích sử dụng để khai thác, sản xuất than.  

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản (Bộ TN-MT) Lại Hồng Thanh cho biết, Tổng cục đang thành lập đoàn kiểm tra tại mỏ than Phấn Mễ về các vấn đề liên quan.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật