Những biến chứng nguy hiểm khó lường với con nếu mẹ bị thủy đậu khi mang thai

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những bà mẹ mang thai ở tuần thứ 36 trở đi mà bị nhiễm virus thủy đậu sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho con. Giai đoạn nguy hiểm nhất là mẹ bị mắc thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh.
Những biến chứng nguy hiểm khó lường với con nếu mẹ bị thủy đậu khi mang thai
Bà bầu mắc thủy đậu có thể lây sang con và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Mang thai mắc thủy đậu biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm thần kinh - bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bệnh thủy đậu đang bắt đầu vào mùa tại các tỉnh, thành phía Nam và có nguy cơ lây lan. Có nhiều trường hợp người lớn lây ngược bệnh cho trẻ, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi và những trẻ đang phải điều trị bằng hó‌a chấ‌t hoặc chạy thận.

Những ngày đầu năm, bác sĩ Khanh đã tư vấn cho rất nhiều thai phụ chuẩn bị sinh con nhưng lại mắc thủy đậu. Đối với các bác sĩ truyền nhiễm, việc thai phụ mắc thủy đậu ở thời điểm chuẩn bị sinh như vậy là “thảm họa” bởi đây là thời điểm ảnh hưởng nặng nề với sức khỏe người mẹ và cả thai nhi, có thể gây biến chứng nặng. Những bà mẹ mang thai ở tuần thứ 36 trở đi, nhiễm virus thủy đậu thì có nguy cơ lây nhiễm cho con. Giai đoạn nguy hiểm nhất là mẹ bị mắc thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh, có đến 50% trẻ sinh ra bị mắc bệnh, tỷ lệ t‌ử von‌g cũng cao (đến 30%).

BS Khanh cho biết nhiều bà mẹ mang thai lúc chuẩn bị sinh thì nhiễm thủy đậu dẫn tới trẻ sơ sinh bị nhiễm thủy đậu bẩm sinh, biến chứng rất nặng. Trẻ nhỏ bị nhiễm thủy đậu bẩm sinh thường chậm phát triển trí tuệ, tật đầu nhỏ, não úng thủy, co giật, hội chứng Horner, teo dây thần kinh thị giác, đục thủy tinh thể, viêm màng võng mạc, tật nhãn cầu nhỏ, rung giật nhãn cầu, trẻ cũng hay trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp/ tắc ruột…

Những dấu hiệu khi bị thủy đậu ở bà bầu là phát ban dạng nốt phỏng đường kính 1 – 3 mm, xuất hiện ở các vùng như mặt, tay, chân, kèm theo đó là triệu chứng sốt. Nếu không được chăm sóc tốt, những nốt mụn nước có thể vỡ, gây nhiễm trùng để lại sẹo. Trong một số trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, các nốt mụn nước hóa mủ, ăn sâu xuống lớp da và tạo sẹo. Bị thủy đậu khi mang thai cần phải được theo dõi đồng thời cùng sản khoa thật chặt chẽ để có thể tư vấn thai phụ kịp thời.

Cần tiêm phòng trước khi mang thai

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện nay nhiều người vẫn còn lơ là với bệnh thủy đậu. tiêm vắc xin ngừa thủy đậu là biện pháp phòng tránh hiệu quả, nhanh chóng và an toàn nhất. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là chị em dự định kết hôn và có kế hoạch sinh con nên chủ động tiêm phòng để tránh những rủi ro, hậu quả đáng tiếc.

Ông cho rằng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền để chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiểu về thủy đậu thai kỳ và nên có các giải pháp chích ngừa bằng vắc xin để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Nói về vấn đề này, BS Phạm Thị Ngoan, Trưởng phòng tiêm chủng bệnh viện An Việt (Hà Nội) chia sẻ, vắc xin tiêm phòng thủy đậu là vắc xin sống, được làm từ virus giảm độc lực, có thể gây hại đến thai nhi. Vì vậy, phụ nữ cần tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng để an toàn cho quá trình mang thai.

Thông thường sau tiêm, vắc xin thủy đậu sẽ cần từ 1-2 tuần để có tác dụng. Do đó, nếu không kịp tiêm trước 3 tháng thì thời điểm tối thiểu là 1 tháng.

Nữ bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ dự định mang thai nếu chưa bị thủy đậu hoặc chưa từng tiêm phòng thủy đậu: cần tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai 2 mũi. Trong đó mũi 1 là lần đầu tiên tiêm; mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 4 - 8 tuần. Nếu đã tiêm 1 mũi lúc nhỏ: tiêm nhắc lại 1 mũi trước khi mang thai 03 tháng.

BS Ngoan tư vấn về tiêm chủng cho các bà mẹ. 

Bác sĩ Ngoan thông tin thêm, vắc xin thủy đậu có thể có 1 vài phản ứng. Sau khi tiêm, phản ứng thông thường là vết tiêm có thể đau, tấy đỏ, sưng cứng. Trong vòng 1 đến 3 tuần sau khi tiêm có thể bị sốt và phát ban, nhưng đây là phản ứng thông thường và sẽ nhanh biến mất. Đối với những người có nguy cơ cao mắc phản ứng phụ với vắc xin sẽ có triệu chứng sốt, kèm theo phát ban dạng bỏng nước, nốt sần xảy ra trong vòng 2-4 tuần sau tiêm. Với trường hợp này chỉ cần theo dõi tại nhà, nếu sốt cao kèm co giật hãy tới các cơ sở y tế.

Trong tiêm vắc xin phòng thủy đậu, các trường hợp chống chỉ định là người đang bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tim mạch, rối loạn chức năng gan thận, có tiền sử co giật, có thai hoặc 2 tháng trước khi dự định có thai, đã tiêm phòng các vắc xin sống khác (vắc xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị,…) trong vòng 1 tháng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật