Vì sao nhiều tài khoản thu phí không dừng có tiền mà không thể qua trạm BOT?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngay sau khi nhận được phản ánh về các lỗi phát sinh trong quá trình vận hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các trạm thu phí có lưu lượng lớn để tìm giải pháp khắc phục.
Vì sao nhiều tài khoản thu phí không dừng có tiền mà không thể qua trạm BOT?
Nhiều xe dán thể thu phí không dừng ePass nhưng không thể qua trạm BOT dù tài khoản còn dư tiền. Tình trạng này xảy ra trên nhiều tuyến, trong đó nhiều nhất là tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình. Ảnh:

Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe ô tô được gắn thẻ trả phí đường bộ tự động hiện đạt 1.021.500 xe. Trong đó, chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 137.300 xe, tăng đột biến so với các năm trước.

"Cùng với thẻ trả phí đường bộ tự động E-tag của Công ty TNHH thu phí tự động VETC cung cấp từ năm 2016, từ cuối năm 2020 có thêm thẻ ePass của (Công ty CP Giao thông số Việt Nam- VDTC) nên số lượng xe dán thẻ tăng rất nhanh so với các năm trước. Trong tháng 1/2021, số thẻ ePass được gắn lên xe nhiều gấp đôi so với thẻ VETC. Tháng 2/2021 nhiều gấp khoảng 5 lần. Việc dán thẻ được thực hiện tại các địa điểm do đơn vị cung cấp dịch vụ thẻ chủ động, còn ít xe gắn tại các trung tâm đăng kiểm xe ô tô", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều lái xe phản ánh, trong tài khoản còn tiền nhưng qua trạm BOT lại không nhận diện được dẫn đến phải thanh toán tiền mặt.

Anh Nguyễn Hoàng Long (Hà Đông – Hà Nội) cho biết, xe của anh đã dán thẻ thu phí không dừng ePass nhưng nhiều lần lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đều bị nhân viên báo là lỗi thẻ, không nhận dạng được thẻ và bắt trả bằng tiền mặt.

Không chỉ anh Long, nhiều lái xe khác phản ánh, thậm chí có tình trạng, đầu vào trạm BOT nhận, nhưng khi đầu ra nhân viên lại nói không có dữ liệu, không thấy trên hệ thống và bắt trả bằng tiền mặt. Việc này đã gây tâm lý bức xúc cho tài xế cũng như các phương tiện lưu thông khác.

"Khi mình đi vào làn thu phí không dừng mà phải dừng lại để mua vé thủ công, trả tiền mặt rất mất thời gian, khiến các phương tiện đi sau phải dừng chờ", một lái xe khác bày tỏ.

Được biết, tình trạng trục trặc giữa 2 hệ thống thu phí không dừng của Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) và Công ty VDTC xuất hiện từ trước Tết nguyên đán.

Việc xe dán thẻ ePass của VDTC khi qua các trạm BOT do bên VETC lắp đặt không được nhận diện, không có dữ liệu đã xảy ra.

Cả hai đơn vị đang triển khai thu phí không dừng là Công ty VETC và VDTC đều cho rằng, tình trạng trục trặc trong thu phí không dừng có sự thiếu hợp tác của các đơn vị BOT.

Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Oánh, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, về cơ bản, các xe lưu thông trên cao tốc ổn định, việc kết nối thiết bị với thẻ Etag và thẻ ePass đã hoàn tất.

"Gặp trục trặc là do xử lý kết nối giữa Công ty VETC và Công ty VDTC, các đơn vị BOT không có vấn đề gì", ông Oánh cho hay.

Liên quan đến tình trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đã nắm được vấn đề và đã họp với các bên liên quan để xử lý những trục trặc này.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường Bộ Việt Nam, về mặt kỹ thuật, hệ thống thu phí tự động không dừng đã vận hành ổn định. Chỉ có một số trường hợp đặc thù trong kết nối như mua vé tháng đối với xe BKS 4 số, đồng bộ dữ liệu xe ưu tiên.

Tuy nhiên về mặt vận hành, đối với các trạm thu phí mới đưa vào vận hành vẫn còn một số lỗi như quy trình dán thẻ chưa tốt; lái xe đi qua trạm chưa biết trạm đã vận hành ETC nên vẫn trả tiền mặt, nhân viên vẫn thu phí dẫn đến thu phí 2 lần…

Đối với các lỗi kỹ thuật, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để xác định nguyên nhân lỗi và khắc phục ngày trong vòng 6-24h.

Đối với các lỗi vận hành, Tổng cục đã chỉ đạo bộ phận giám sát hậu kiểm của nhà cung cấp dịch vụ xác định lỗi, hướng dẫn nhân viên quy trình khắc phục hoàn trả tiền cho chủ xe nếu thu nhầm, bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ với chủ xe để giải thích.

Về phản ánh tài khoản thu phí không dừng có tiền mà không thể qua trạm BOT, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: "Thu phí không dừng là dự án rất muôn hình vạn trạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có ý thức của chủ phương tiện, của nhà đầu tư BOO1, BOO1 và nhà đầu tư BOT. Chưa kể, trên các dự án thu phí kín, nhà đầu tư BOT còn đầu tư các hệ thống thu phí khác nhau. Tuy nhiên, quá trình vận hành có vướng mắc phát sinh thì các bên liên quan phải cùng nhau tháo gỡ, không thể ông này đổ cho ông kia. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ họp bàn giữa các bên để tháo gỡ vướng mắc trong thời gian sớm nhất".

Ngoài ra, đơn vị này đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường đạo tạo nghiệp vụ cho nhân viên, tăng cường truyền thông việc triển khai thu phí tự động không dừng, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản hồi của khách hàng và kịp thời xử lý tránh gây bức xúc cho khách hàng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật