Sóng gió Trung Quốc đối mặt hậu bầu cử Mỹ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù Biden hay Trump đắc cử, tách rời và giảm phụ thuộc tối đa vào Trung Quốc vẫn sẽ là mục tiêu họ hướng tới, giới chuyên gia nhận định.
Sóng gió Trung Quốc đối mặt hậu bầu cử Mỹ
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.

Tại văn phòng của mình ở thành phố Mexico City, giữa lúc Covid-19 đang hoành hành, điện thoại của Samuel Campos liên tục đổ chuông, khi các công ty tìm cách chuyển hoạt động sản xuất của họ sang Mexico.

"Kể từ lúc ký thỏa thuận tới nay, tôi nghĩ khối lượng công việc của chúng tôi đã tăng 30-40%", Campos, giám đốc điều hành công ty tư vấn bất động sản thương mại Newmark Knight Frank, cho biết, đề cập tới Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2020.

Hồi trước, người gọi cho Campos chủ yếu từ Mỹ và châu Âu, khi họ tìm cách rời khỏi Trung Quốc để tránh cuộc chiến thuế giữa Bắc Kinh và Washington hoặc để rút ngắn khoảng cách với thị trường tiêu dùng của mình. Tuy nhiên, những tháng qua, các công ty Trung Quốc cũng gọi. Tất cả đều quan tâm đến việc quản lý chi phí và những biến động đi kèm trước diễn biến xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ những ngày này.

"Các công ty đó đang cần một chuỗi cung ứng ở Bắc Mỹ bởi họ không muốn mất đi hợp đồng tại đây", Campos nói. Và thỏa thuận thương mại được ký kết hồi tháng 7 đã giúp thuyết phục họ rằng Mexico là bệ phóng tới Mỹ tốt hơn so với Trung Quốc.

Điều này không phải một xu thế mới.

Ngành công nghiệp công nghệ thấp đang rời bỏ Trung Quốc, khi chi phí tại quốc gia này ngày càng trở nên đắt đỏ trong suốt một thập kỷ qua. Chỉ số Đa dạng hóa Trung Quốc của công ty tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney chuyên theo dõi sự chuyển dịch trong hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc sang những trung tâm chi phí thấp khác ở châu Á. Khi chỉ số này bắt đầu được đưa ra vào năm 2013, Trung Quốc chiếm 67% số hàng nhập khẩu đó, nhưng đã giảm xuống còn 56% vào quý 4 năm 2019.

Các công ty phân khúc cao hơn trong lĩnh vực điện tử và ô tô hiện tại dẫn đầu trong nỗ lực đa dạng hóa. Tập đoàn Foxconn và Pegatron của Đài Loan, cả hai đều là nhà cung cấp chính cho Apple, đang để mắt tới các nhà máy ở Mexico nhằm giảm thiểu rủi ro trước nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Reuters.

Và bất kể Donald Trump hay Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới, xu hướng trên nhiều khả năng vẫn tiếp diễn.

Chính phủ một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang ưu tiên giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, phù hợp với chính sách đã được hai ứng viên tổng thống Mỹ nêu ra.

Các nhà nghiên cứu tại công ty tư vấn quản lý McKinsey ước tính trong những năm tới, đến 26% lượng xuất khẩu toàn cầu, trị giá 4.600 tỷ USD vào năm 2018, có thể sẽ chuyển dịch.

Công ty tư vấn Boston Consulting Group trong khi đó ước tính "thương mại song phương Mỹ - Trung vào năm 2023 sẽ giảm 15%, tương đương 128 tỷ USD, từ mức của năm 2019".

Các chuỗi cung ứng của thế giới sẽ ngắn hơn và ít tập trung vào Trung Quốc hơn, ngay cả khi sức mạnh của những cơ sở sản xuất ở Trung Quốc khiến nước này không thể hoàn toàn bị loại khỏi phương trình.

Vì thế, bất kỳ ai đắc cử tổng thống Mỹ, nỗ lực tách rời Trung Quốc sẽ là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, mức độ thay đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu và cách thức nó hoạt động sẽ phụ thuộc lớn vào việc ai làm tổng thống Mỹ trong 4 năm tới.

Cả Trump và Biden đều hướng đến mục tiêu đưa sản xuất các nguồn cung y tế thiết yếu và dược phẩm trở lại nội địa và cả hai đều sẽ cố gắng giảm thiểu phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nhưng giới phân tích nhận định Trump có thể sẽ đơn phương đưa Mỹ vào thế tách biệt với cả các đồng minh, trong khi Biden được cho là sẽ có cách tiếp cận đa phương hơn.

"Tôi đồng ý rằng cả Biden và Trump đều nói về tăng việc làm trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ và tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc toàn cầu, bao gồm cả những thứ đang ám ảnh tâm trí cử tri như Covid-19", Emily Blanchard, chuyên gia về chuỗi giá trị toàn cầu tại Trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth ở New Hampshire, bình luận. "Nhưng chiến lược chung giữa hai người sẽ rất khác nhau. Trump đang theo đuổi một cách tiếp cận đơn phương, quyết liệt, hiếu chiến, tuyên bố rằng nước Mỹ sẽ tự làm tất cả".

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump đã được trình bày rõ ràng trong bài phát biểu ngày Lễ Lao động Mỹ 7/9, ở đó ông cam kết sẽ ưu đãi cho các công ty sản xuất ở Mỹ và trừng phạt những công ty vẫn ở lại Trung Quốc.

"Chúng tôi sẽ tạo ra các ưu đãi thuế đối với hàng hóa sản xuất tại Mỹ và mang việc làm từ Trung Quốc trở về Mỹ. Và chúng tôi sẽ áp thuế đối với các công ty rời bỏ Mỹ để tạo việc làm ở Trung Quốc hay những nước khác", Trump nói. "Nếu họ không thể làm ở Mỹ thì hãy để họ trả một khoản thuế lớn để họ xây dựng hoạt động kinh doanh ở nơi khác rồi gửi chúng về đất nước chúng ta".

Chương trình nghị sự nhiệm kỳ thứ hai của Trump nhấn mạnh những công ty thuê ngoài tại Trung Quốc sẽ bị loại khỏi các hợp đồng liên bang.

Biden đã cho thấy ông cũng không ngần ngại "vung cây gậy". Ông gần đây công bố một kế hoạch sử dụng thuế phụ thu để trừng phạt các công ty chuyển việc làm và hoạt động sản xuất ra nước ngoài rồi bán hàng hóa và dịch vụ trở lại Mỹ.

Mặt khác, ông cho biết các công ty có thể cải tạo những nhà máy đã đóng cửa ở Mỹ có thể được giảm thuế 10%. Về điểm này, hai ứng viên có ít khác biệt.

Dù vậy, không giống Trump, Biden đã tuyên bố sẽ không đi một mình, và đây chính là điều mà các đồng minh của Mỹ rất kỳ vọng. Nhiều nước tiết lộ rằng họ đã chán ngán với việc phải nhìn nước Mỹ với mình và đang bắt đầu xây dựng một liên minh riêng cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhưng bất kể ai chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng cũng sẽ phải đối mặt với những thực tế khó khăn của việc đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ. Nền kinh tế nội địa Mỹ đang điêu đứng và rất ít công ty có đủ khả năng để sản xuất tại đây.

"Cuối cùng, nền kinh tế vẫn cần phải hoạt động", Patrick Van den Bossche, chuyên gia kinh tế tại công ty Kearney, cho hay. "Với Covid-19, mọi thứ trong chuỗi cung ứng đều đắt đỏ hơn. Giờ đây, bạn trở về Mỹ và giá nhân công trên mỗi sản phẩm lại quá cao. Đó không phải một quyết định đầu tư dễ dàng".

Bên cạnh đó, rất nhiều công ty đơn giản là không muốn rời Trung Quốc và để buộc họ làm vậy không phải điều dễ dàng.

Một cuộc thăm dò mới đây do chi nhánh Thượng Hải của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy 92,5% công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc được hỏi không có kế hoạch rời đi hoàn toàn và chỉ 5% có kế hoạch quay trở lại Mỹ.

Hơn một nửa trong số các công ty được thăm dò muốn tiếp tục sản xuất ở Trung Quốc để bán cho thị trường nội địa khổng lồ tại đây. Vậy nên, họ không có động lực trở về nước.

Elizabeth Baltzan, quan chức thương mại Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama và George W. Bush, gợi ý rằng Biden sẽ mang đến liều thuốc chủ nghĩa hiện thực cho cuộc tranh luận, nhưng ông cũng sẽ chịu áp lực phải đưa ra một chính sách công nghệ để cạnh tranh với Trung Quốc.

"Đây không phải là việc xây dựng lại những gì chúng ta từng có trong thập niên 50. Nó là đánh giá chiến lược về các ngành công nghiệp nào mà Mỹ cần đưa trở về nước và ngành công nghiệp nào Mỹ cần đa dạng hóa để không tập trung quá nhiều ở Trung Quốc", Baltzan nói. "Đang tồn tại những mối lo ngại rằng nếu Trung Quốc thực hiện chiến lược Made in China 2025 như cách họ làm với chính sách thép, nhôm hay năng lượng mặt trời, Mỹ không thể có các ngành công nghiệp bền vững trừ khi chạy đua vũ trang trợ cấp".

Trung Quốc rõ ràng lo ngại về mối đe dọa của một liên minh các đồng minh Mỹ dưới chính quyền Biden, thể hiện ở việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây có chuyến công du quyến rũ châu Âu và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần qua nói với các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rằng ông dự định xúc tiến một hiệp định đầu tư song phương có thể bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư châu Âu tại nước này.

Trong bối cảnh đại dịch, các nhóm kinh doanh ở Trung Quốc cho biết giới chức địa phương đã phải nhượng bộ để đảm bảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cảm thấy thoải mái và năng suất làm việc sẽ không bị ảnh hưởng bởi một cuộc di cư lao động ồ ạt.

"Xu hướng tách biệt kinh tế trong các chuỗi cung ứng quan trọng và lĩnh vực công nghệ là không thể tránh khỏi và tất cả các nước đều nên lo lắng về điều này, đặc biệt là Trung Quốc, nước có rất nhiều công ty nước ngoài", Wei Zongyou, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, đánh giá. "Nếu họ rời đi, đây sẽ là tin xấu đối với chính phủ Trung Quốc".

Năm ngoái, một số học giả và quan chức Trung Quốc tuyên bố rằng họ muốn Trump tiếp tục giữ chức tổng thống Mỹ thêm 4 năm nữa. Nhiều người nói ông đang "phá hủy" nước Mỹ. Nhưng nay, khi căng thẳng liên tục leo thang, quan điểm này đang dần thay đổi.

Wei cho biết ông hy vọng Trump sẽ đắc cử nhưng lưu ý rằng bất kể tổng thống Mỹ tiếp theo là ai thì đều không có lợi cho Trung Quốc. "Kiểu gì thì chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với 4 năm khó khăn phía trước", ông nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật