Vượt qua cơn lũ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đột nhiên, tiếng đất đá đâu đây ầm ầm rung chuyển. Lê bế thằng bé, cố sức chạy được hơn nửa quãng đường thì một khối đất lớn ào ạt đổ sập xuống bịt kín cửa hang, gây ra tiếng nổ váng óc. Đất dưới chân Lê lắc lư mấy giây rồi mới ngừng hẳn. Phía trước tối mịt.
Vượt qua cơn lũ
Minh họa: Đỗ Dũng

Sông Ta Na chảy qua Trạm Cảnh sát giao thông tả Phìn, mại mềm và bí ẩn như một áng thơ cách tân siêu thực. Sau ba tháng nhận công tác, Trung úy Lê đã dần quen với cuộc sống được bao bọc bởi màu xanh đại ngàn bất tận và tiếng chim rộn rã ngày ngày. Vậy mà hồi mới lên đây, Lê thầm nghĩ, sao người ta lại có thể sống ở một nơi ảm đạm thế này? Những khuya nằm co ro trong mảnh chăn lúc nào cũng cảm giác hơi âm ẩm, nỗi nhớ Hà Nội trong Lê khắc khoải bật lên như hạt giống nứt chồi...

Giờ đây, bên cạnh Lê đã có thêm chú chó tên Hoe làm bạn. Lê thường dắt nó theo trong những lần cùng đồng đội đi ca - nô tuần tra, kiểm soát dọc dòng sông Ta Na. Nó là giống chó Mông cộc đuôi mà anh Cường - Phó trưởng Trạm tặng Lê nhân ngày sinh nhật cậu với lời giới thiệu: “Tinh khôn lắm đấy nhé!”. Anh Cường nói thêm, cây cỏ có lúc úa, lúc xanh. Lòng người có khi nồng, khi bạc. Chỉ đến lúc gặp khó khăn, hoạn nạn mới thấu hiểu giống chó này trung thành và chung thủy đến nhường nào.

*

Tháng Chín về, mây cuộn lại thành những khoảng đen xám xịt trên mảng trời loang lổ, đợi một vài tiếng sấm hiệu lệnh thì vùn vụt phóng nước xuống tả Phìn như muôn triệu mũi tên săn thú. Mưa đồng lõa với gió, gió quăng quật hướng nào, mưa đổ ào ào hướng đó. Từ những rãnh núi, khe suối hiểm trở, nước tồ tồ đổ xuống, đỏ ngầu, hối hả. 

Sông Ta Na bỗng chốc hóa thành con rắn hung bạo khổng lồ, phẫn nộ chảy cơ hồ muốn há miệng ăn sống, nuốt tươi tất thảy những gì nó đi qua. Nước từ trên núi vẫn hằm hằm dồn đuổi nhau như một trận chiến không khoan nhượng. Sông Ta Na chảy phầm phầm trong cơn điên cuồng bất chấp. Dòng lũ gầm gào siết chặt lấy chân núi khiến Lê có cảm tưởng cả dãy tả Phìn sừng sững kia có thể đổ sập xuống bất cứ khi nào…

Sáng ra. Nước rút nhanh. Kẻng đơn vị dồn dập vang lên báo động cán bộ chiến sĩ tập trung, chuẩn bị cho công tác cứu nạn, cứu hộ.

Chưa đầy một phút, Lê đã chỉnh tề bộ cảnh phục màu vàng sắc nắng, có mặt trong hàng quân. Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông tả Phìn cầm loa tay, nhanh chóng phổ biến ý kiến chỉ đạo. Anh Cường dúi bọc ni - lông gói sẵn vật gì đó vào túi quần Lê, ân cần dặn:

- Đây là những thứ quan trọng nhất để sinh tồn. Sẽ có lúc đồng chí cần dùng đến.

Cán bộ chiến sĩ của Trạm Cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng Công an các xã, chia nhỏ thành từng tổ công tác gồm ba đến bốn người, rải ra theo nhiều hướng khác nhau. Con Hoe theo chân Lê cùng hai đồng chí nữa đến các bản người Mông. Nơi cơn lũ đi qua, thứ còn lại chỉ là những đống đổ nát như thể sự sống chưa hề tồn tại. Sau màn mưa là màn nước mắt. Tiếng vợ gọi chồng. Tiếng chồng tìm vợ. Tiếng mẹ khóc con. Tiếng em kêu chị. Nức nở. Quại quằn. Nghẹn đắng. Xót đau.

Khi hai đồng đội khác trong nhóm khiêng một nạn nhân bị thương nặng về bản, Lê và con Hoe vẫn kiên trì ngược bờ suối gắng sức lật từng gốc cây, tảng đá khẩn trương tìm kiếm, cứu giúp đồng bào gặp nạn. Đúng lúc đang định rẽ sang một hướng khác thì Lê mang máng nghe thấy tiếng trẻ con khóc nhéo nhẳng, rỉ ra từ một khe núi gần đó. Con Hoe luôn miệng ăng ắc sủa. Lê vội tiến đến, vén màn cỏ miệng hang, bắc loa tay gọi vang:

- Có ai ở trong không?

*

Càng vào sâu, lòng hang càng rộng mở. Hơi lạnh từ kẽ đá phả ra âm u, rờn rợn. Đàn dơi bị đánh thức bởi tiếng sủa của con Hoe tao tác vỗ cánh bay loạn xạ khiến Lê liên tưởng đến cảnh đường xuống địa ngục trong một bộ phim kinh dị Lê được xem hồi bé. Tim Lê va vào lồng ngực thình thình. 

Lê cứ vòng vèo đi cho đến lúc ngoảnh lại không thấy miệng hang đâu nữa thì một khoảng sáng nhờ nhờ hiện ra phía trước, tỏ dần, tỏ dần. Thì ra quầng sáng kia bắt nguồn từ một cái lỗ cao hun hút. Trên phiến đá phẳng, một cậu bé đang nằm co quắp, miệng lảm nhảm:

- Đừng bắt cháu! Đừng bắt cháu. Cháu biết lỗi rồi.

Lê bước tới, ôn tồn:

- Chào em, sao em lại ở đây?

Thằng bé ngơ ngác mở trừng trừng mắt để nhìn bộ cảnh phục của Lê rõ hơn rồi mếu máo:

- Anh Công an đừng bắt em nhé. Em đi ăn trộm củ dong riềng. Bị dân bản đuổi đánh nên chui vào đây trốn.

Lê nắm tay thằng bé:

- Nhà em ở đâu? Anh đưa em về.

Thằng bé chìa gót chân trái sưng vù ra, bật khóc nức nở:

- Chân em giẫm phải mảnh sắt, nhiễm trùng rồi, không đi nổi nữa.

Con Hoe bỗng nhiên nhằng nhẵng sủa rồi ngoạm lấy gấu quần Lê, giật giật. Lê tưởng con chó đang ghen với thằng bé thì hơi chúi người xoa xoa đầu nó, vỗ về: “Hoe hư nào!”. Con chó vẫn giật gấu quần Lê cương quyết kéo mạnh về phía cửa hang. Rồi bốn chân nó cứ quýnh quáng nhảy chồm hỗm. Lê vẫn không hiểu con chó muốn nói gì. 

Đột nhiên, tiếng đất đá đâu đây ầm ầm rung chuyển. Lê bế thằng bé, cố sức chạy được hơn nửa quãng đường thì một khối đất lớn ào ạt đổ sập xuống bịt kín cửa hang, gây ra tiếng nổ váng óc. Đất dưới chân Lê lắc lư mấy giây rồi mới ngừng hẳn. Phía trước tối mịt.

*

Hiểu là một ông cụ non đích thực. Khi đã quen Lê, nó liếng thoắng không để mồm kịp mọc da giấy. Từ chuyện khoa học xã hội đến khoa học tự nhiên, nó đều nói vanh vách và lập luận chặt chẽ như một nhà diễn thuyết.

- Những kiến thức này, em học được từ đâu?

- Bố em là giáo viên Toán - Lý, mẹ em là giáo viên Văn - Sử. Nhà em có một giá sách cả mấy nghìn cuốn. Từ năm lớp 3, em đã mê thích đọc sách. Trung bình mỗi tuần em đọc hết hai cuốn sách dày chừng này này - Thằng bé giơ một gang tay ra tự hào khoe mẽ - Sách dành cho người lớn em cũng đọc. Em đọc nhanh lắm á anh. Ở trường ai cũng gọi em là Thần đồng đọc sách.

- Thần đồng đọc sách lại đi ăn trộm củ dong riềng sao?

Hiểu gãi gãi đầu:

- Là tại vì… tại vì em muốn thử thực hành làm người rừng như Tarzan. À mà anh nhắc đến củ dong riềng em mới nhớ. Chúng ta sẽ không chết đói đâu. Đống dong riềng ăn trộm được em còn để ở kia kìa.

Lê nhặt lấy một củ non chều chệu, chau mày:

- Ăn sống hả?

Hiểu lại chỉ tay vào một đống củi nhỏ:

- Đây là căn cứ địa của em tìm ra cách đây hơn một năm. Em đã chuẩn bị đầy đủ củi khô định phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học của em. Nhưng em quên mang bật lửa mất rồi. Và mấy ngày trong hang, em cũng chưa nghiên cứu được cách chọi hai hòn đá vào nhau để tạo ra lửa nhóm củi.

Có cái gì đó chọc vào đùi Lê cồm cộm. Lê chợt nhớ đến bọc nhỏ anh Cường dúi vào túi quần sáng nay. Lê lấy nó ra mở những lần ni - lông quấn chặt. Như phép màu nhiệm, đó là một con dao và một chiếc bật lửa.

*

Chiều tắt nắng. Cái lỗ trên đỉnh hang như chiếc phễu hút xuống cơ man nào là bóng tối, tù mù rồi đen kịt. Hơi lạnh không còn mơn man mà trở nên rõ hình, rõ nét tựa như mũi cỏ lau đang di qua, di lại trên thịt da, cưỡng dọa. Tiếng côn trùng ri ri xuyên thủng những thớ đêm quánh đặc tạo ra những khoảng hở để mùi đất ẩm nồng nồng, mùi chuột chết khăn khẳn chui lên đậm đặc. Hiểu giục Lê chụm củi nhóm lửa. Lửa lẩy bẩy cháy như bị bóng tối nhấn chìm, đè nén. Nhặt nhạnh mấy cục đá chừng bằng viên gạch xếp lại thành đống nhỏ, thằng Hiểu bảo Lê:

- Anh nướng thêm mấy viên đá này đi!

- Đá cũng ăn được sao?

- Không phải. Em học tập và làm theo Bác Hồ đấy. Nhưng trong truyện, Bác nướng gạch, anh ạ.

- Nghĩa là sao?

- Chúng ta phải để dành củi cho ngày mai, ngày kia, ngày kỉa, ngày kìa nữa. Đá có khả năng giữ nhiệt lâu hơn - Được đà, thằng bé lại thao thao bất tuyệt - Vì vậy, những viên đá nướng này có thể thay thế những chiếc gối sưởi. 

Lê cốc nhẹ lên trán nó:

- Em đúng là ông cụ non. Anh không nghĩ em 14 tuổi đâu. Anh cứ tưởng em 41 tuổi ý.

*

Đêm đầu tiên nằm lại trong hang động sau khi lót dạ bằng mấy củ dong riềng nướng, mắt Lê cứ trằn trọc dán mãi lên cái lỗ trên đỉnh hang. Bên cạnh, sau khi kể chuyện cổ tích “Người mẹ” của Andersen ru con Hoe ngủ say dưới chân thì thằng Hiểu bám chặt lấy ngực Lê, ngáy ro ro. 

Bầu trời ngoài kia hiện ra một khoảng sáng xanh xanh mờ ảo như mảnh gương thần. Gương ơi, lẽ nào mình phải chết ở đây sao? Cái hang nằm ở chỗ hiểm hóc thế này, đồng đội mình làm sao tìm thấy? Mấy ai rơi vào hoàn cảnh như Lê lúc này lại không một lần trộm nghĩ về cái chết?

Rạng sáng, Hiểu lên cơn co giật. Toàn thân nó bốc nhiệt nóng bừng. Lê giật mình tỉnh dậy lay lay người thằng bé, hoảng hốt:

- Hiểu, em làm sao vậy?

Thằng Hiểu mở mắt, tiếng nói thều thào rít qua kẽ răng:

- Anh nhóm… lửa rồi dùng dao mổ chân lấy mảnh sắt ra cho em. Em sẽ… hướng dẫn cho anh.

Lật bật mãi, Lê mới nhóm được lửa. Lê hơ qua lưỡi dao trên ngọn lửa đang phừng phực cháy rồi run rẩy cứa vào chỗ vết thương đang mưng mủ sưng húp. Mũi dao lút sâu và chạm vào mảnh sắt thì thứ dịch nhầy màu vàng đục phọt cả lên má Lê, nhớp nháp. Hiểu gồng căng người và nghiến răng trèo trẹo nén chịu cơn đau. Lê không dám nhìn mặt thằng bé.

- A… a… a… Đau mà đã quá.

Mảnh sắt to chừng bằng cánh hoa dã quỳ. Lấy được nó ra mà Lê thấy như gỡ được tảng đá nặng chắn ngang ngực mình. Chẳng còn cách nào khác, Lê đành cắt một khoanh gấu quần băng bó vết thương cho Hiểu.

*

Trời sáng hẳn. Đống lửa đã lụn từ lúc nào. Từ cái lỗ đỉnh hang, những tia nắng chiếu vào sóng sánh như mang theo cả vị ngọt thanh ngần của thứ mật ong non đầu mùa. Trong nắng, những hạt bụi, đốm tro như biết phát sáng lấp lánh tựa muôn triệu lớp phấn hoa li ti đang say sưa chuyển động. Con Hoe trải mình ra đón nắng, bộ lông nhung mềm rung rinh se sẽ. Hiểu cũng nhoài người ra, xòe bàn tay hứng nắng rồi độc thoại vu vơ:

- Chúng ta chắc chắn sẽ thoát khỏi cái hang quái quỷ này. Hãy đợi đấy.

Hiểu ngửa mặt lên trời, nhắm mắt lại và bảo Lê làm theo:

- Anh có tin trong mỗi chúng ta đều có phép màu không?

Sự lạc quan của Hiểu khiến một điều gì đó vỡ ra trong Lê, man mác. Mỉm cười, Lê đáp:

- Thế mà có lúc, anh đã nghĩ đến cái chết rồi đấy.

Bỗng nhiên, Hiểu dừng lại:

- Khoan, anh ơi, hình như em nghe thấy tiếng nước chảy âm âm.

Hiểu nhắc đến nước khiến Lê nhận ra cổ họng mình đã khô đắng tự bao giờ. Hai anh em và con Hoe cùng kiếm tìm, tìm kiếm mãi thì phát hiện một khe ngầm có tiếng nước chảy róc rách rất khẽ. Lắng tiếng nước, Lê nghĩ cái khe ngầm này phải sâu đến năm mét là ít. Khe dựng đứng, hẹp và không có cách nào chui xuống. Hiểu ngồi thừ ra, hết vò đầu bứt tóc lại nhặt nhạnh những viên đá nhỏ ném xuống lòng khe lõm bõm. Rồi bất chợt nó “à” lên và cởi chiếc áo kaki bạc phếch để lòi ra những vệt xương sườn gầy guộc:

- Dao đâu anh? Em đã có cách. Chúng ta sẽ cắt nhỏ cái áo của em nối lại thành một sợi dây dài rồi buộc vào cái áo của anh dong xuống khe. Nước thấm vào áo, chúng ta sẽ kéo lên và vắt uống.

Ngỡ ngàng, những đốm da gà rần rật nổi lên khắp hai cánh tay Lê:

- Trời ơi, đầu em đúng là cuốn Bách khoa toàn thư. Em đang ốm, cứ mặc áo vào. Áo anh đủ rộng để chia hai nửa.

*

Đủ nước để uống, đủ lửa để sưởi nhưng đã hết nhẵn những củ dong riềng non mấy hôm rồi. Lê đói bạc mắt. Đói đến mức chân tay nẫu ra, long long như những que củi khô được chắp gắn vụng về vào cái thâ‌n hìn‌h đang dần khô tóp lại. Cái bụng thằng Hiểu cũng chẳng có gì để rặn ra cứu đói con Hoe. Cả ba nằm la liệt trên những phiến đá, rũ rời, chao đảo. 

Thằng Hiểu cứ lảm nhảm bên tai Lê, như đang mê sảng. Những câu chuyện tầm phơ tầm phào của Hiểu đã làm ký ức về Hà Nội, về gia đình, về đồng đội cứ rộn rực cựa mình nhú lên trong Lê khi mà cả thể xác lẫn tâm hồn Lê đang dần rũ héo.

Ký ức chẳng phải là điều mà mỗi chúng ta đều muốn giữ gìn nguyên vẹn nhất hay sao? Lê cứ thả trôi dòng suy nghĩ cho đến lúc trăng lên, vừa khớp cái lỗ trên đỉnh hang, tròn vành vạnh. Trăng khỏa trần thả xuống dải lụa ánh sáng mỏng manh, êm ả, tựa như chưa vướng bụi trần. Giá có thể bám chắc dải lụa ấy mà đu ra ngoài. Hiểu giơ tay vơ lấy vơ để cái gì đó trong ánh trăng rồi lia lịa nhét vào mồm, nhồm nhoàm:

- Cái đĩa kia nhiều thức ăn quá. Thịt lợn chua ngọt này. Thịt gà lá chanh này. Ô, còn có cả sô - cô - la nữa cơ à? Này này, đĩa thức ăn đang trôi kìa…

*

Đến ngày thứ bảy, bao nhiêu nước Hiểu uống đã dồn hết vào bàn chân bị thương. Vết thương sưng phù lên, to gấp đôi bàn chân còn lại. Cái ánh sáng phát ra từ lưỡi hái Tử Thần trong câu chuyện cổ tích “Người mẹ” của Andersen mà Hiểu từng miêu tả thêm thắt khi kể ru con Hoe ngủ cứ chờn vờn vụt tắt rồi lóe lên trong đầu Lê mà Lê cố nghĩ sang chuyện khác cũng không thể nào thoát khỏi sự ám ảnh. Làm cách nào để cứu thằng bé đây? Lòng Lê nóng như than đỏ. Thế mà, Hiểu mặc dù mắt đã lim dim, miệng vẫn nhoen nhoẻn cười:

- Ông nội em ngày xưa đi đánh Mỹ bị bắn trúng cổ chân, phải cắt phăng đi mà vẫn lấy được bà nội em, sinh ra bố em đẹp trai ngời ngợi. Anh đừng lo cho em. Em sẽ lấy được vợ. Vợ em sẽ là công chúa.

Lê dong áo xuống khe ngầm thấm nước vắt cho Hiểu uống. Nhìn cái cuống họng Hiểu khó nhọc chuyển động đón từng ngụm nước vào c‌ơ th‌ể, Lê thấy bao nhiêu cơn ốm bệnh, thương tích Lê từng trải qua cộng lại cũng không đáng sợ bằng những điều thằng bé phải chịu đựng lúc này. Lê ước giá như mình có thể chịu đau đớn thay cho nó. Nhưng rồi, Lê chỉ biết bất lực nhìn thằng bé gồng mình chống chọi lại bóng tối khắc nghiệt đang vắt khô kiệt sức sống, bằng một thứ phép màu tưởng tượng.

Hiểu nhè ra một hạn sạn:

- Nước cặn quá. Chắc… cái khe kia… cũng sắp cạn khô rồi. Anh mau… dự trữ nước đi.

Dự trữ nước thế nào khi mà không có một vật dụng gì để đựng? Như đọc được suy nghĩ của Lê, Hiểu vẫn lải nhải mê mê, tỉnh tỉnh:

- Giết… con chó đi. Nướng thịt ăn cầm sức. Cái dạ dày và bong bóng của nó… rửa sạch phơi khô đựng được dăm lít nước. Nếu anh không làm cách đó, hai chúng ta sẽ… lần lượt chết trước nó.

- Nhưng...

*

Hình như con Hoe hiểu được câu chuyện của Hiểu và Lê. Sáng hôm sau, Lê vừa thức giấc đã thấy con chó chết cứng bên góc hang, trong trạng thái tự cắn lưỡi. Lê ôm nó, lòng đau nhói. 

Lê nhớ buổi sáng đến điểm trường Pả Chua tuyên truyền Luật Giao thông, do chưa quen địa hình, trời lại ngùn ngụt sương, Lê trượt chân rơi xuống vách vực, tay chỉ kịp bíu lấy một búi cỏ lau chìa ra chới với có thể sẽ bật bung bất cứ khi nào. 

Ngay lập tức, con Hoe lao xuống, ngoạm lấy cổ áo Lê làm rơi cả quân hàm, rồi ra sức kéo Lê lên. Tiếng vải bục ra loạc roạc. Búi cỏ lau cũng bắt đầu bung rễ, đất chuồi xuống đầy ngực áo Lê. Hai hàm răng con Hoe vẫn nghiền chặt và những búi thịt hai chi trước vồng lên căng cuộn. 

Lê không ngờ con chó khỏe đến mức ấy. Những ngón tay Lê bấu vào đất tơ tướm máu. Nó nhích chút nào, Lê nhích lên chút đó. Cho đến khi Lê với được một gốc cây vững chãi trên miệng vực và lấy đà trèo lên an toàn thì sức lực của cậu chỉ còn lại là những cú thở hồng hộc, nhói buốt.

Vết thương đang bị hoại tử của thằng Hiểu làm toàn thân thằng bé lên cơn sốt rét, mồ hôi đầm đìa nhưng hai hàm răng va nhau lập cập. Lê cởi nốt chiếc quần dài bên ngoài đắp lên người Hiểu, tay nướng những miếng thịt chó nham nhở, miệng dặn nó:

- Con Hoe chết rồi. Em phải sống để không phụ lòng nó đấy.

Trong cơn mê man, Hiểu vạch quần đái vào lòng tay khum khum rồi đưa lên miệng liếm liếm: “Muối! Muối!”. Nước mắt Lê bật ra nhèm nhòa mùi khói.

Cuối cùng thì miếng thịt cũng chín. Lê thái ra thành từng miếng hộp diêm, nhai nhỏ rồi lay Hiểu dậy, chậm rãi đút vào cái miệng đang dần đông cứng của thằng bé. Môi Hiểu chuyển màu trắng bệch, nẻ nứt. Mặt nổi lên những mẩn đỏ chi chít. Nó mở mắt lim dim, hơi thở đuối dần, quai hàm và thanh quản cố nhào nặn thành tiếng nói khó nhọc rít qua kẽ răng, phều phào:

- Em… thèm… muối quá. Anh chấm thịt vào… nước mắt của anh cho em ăn được không?

Vừa lúc ấy, không rõ là sự thật hay mường tượng, tai Lê hình như thoáng nghe tiếng búa gõ đá chan chát và tiếng động cơ máy nổ rồ rồ ở phía cửa hang, láng máng. Lê khấp khởi nhẹ lay vai Hiểu:

- Em, em có nghe thấy gì không?

*

Lê mở hé mắt thì thấy mình đang nằm trên chiếc cáng nhỏ, được đồng đội nhanh chân khênh về phía đơn vị. Hai bên lối mòn, dong riềng đã hồi sinh mơn mởn, như chưa từng có cơn lũ đi qua. Tháng Chín, chưa đến mùa hoa. Nhưng Lê đã thấy màu cờ Tổ quốc phấp phới bay trên nóc Trạm Cảnh sát giao thông tả Phìn, rạng ngời như kết lại từ muôn triệu đóa dong riềng đẹp nhất, đỏ nhất. Và Lê còn cảm nhận được tiếng Hiểu gọi mình từ phía sau, tiếng gọi khẽ khàng lẫn trong màu nắng mới mơ màng, thơm dịu:

- Anh Lê ơi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật