Mùi rác, mùi đời!

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cứ như có một thứ hoóc môn thần bí rỉ ra âm thầm từ đâu đó trong c‌ơ th‌ể Hắc, khiến Hắc si mê rác, ăn ngủ cùng rác, tự động làm việc băng băng mà chẳng cần cố gắng. Trong khi ở tổ phân loại rác này, người ta đến rồi đi liên tục, chỉ có Hắc là chẳng bao giờ rời đi.
Mùi rác, mùi đời!
Minh họa: Lê Tiến Vượng

Hắc tròng lên người bộ đồ bảo hộ lao động bằng thứ vải thô dày, màu xanh chả ra xanh, xám chả ra xám, bê bết vết bẩn, đầu gối và bên hông phải đã rách bươm, xơ xướp. Sau đó, ông xỏ chân vào đôi giày cáu bẩn, cứng như đá, đeo khẩu trang, đội mũ cối, xỏ găng tay, lấy cây “đinh ba” treo trên cái móc đầu hiên nhà xuống, thủng thẳng đi tới nơi làm việc.

Lẽ ra, vào tuần trước, Hắc đã đến kỳ được lĩnh hai bộ đồ bảo hộ lao động mới. Nhưng ông không lĩnh. Bởi chỉ còn mươi bữa nữa, là tới ngày sinh nhật lần thứ sáu mươi của ông, và ông được về hưu. Nếu ông lĩnh bộ đồ bảo hộ lao động theo tiêu chuẩn, thì phải vứt bộ cũ này đi, lại thêm rác cho xã hội ư? 

Ông không muốn thế. Cả đời ông đã phải dọn rác cho cả xã hội, vất vả quá sức rồi. Ông định khi nghỉ hưu, sẽ mang hai bộ đồ bảo hộ lao động đã rách bươm này về nhà, giặt giũ sạch sẽ, treo lên tường nhà, như một di sản đáng nhớ nhất của đời một anh công nhân vệ sinh xã hội.

Lợi, kém Hắc năm tuổi, nhưng là tổ trưởng tổ phân loại rác, bảo Hắc, sao ông không chịu lấy đồ mới, mà kể cả ông không lấy, tôi cũng không quy ra tiền để trả ông được. Hay là ông cứ lĩnh bộ đồ mới, rồi đem ra chợ bán, bèo cũng được trăm bạc mua quà cho cháu ở quê.

Dù được Lợi phân tích hợp lý như vậy, nhưng rồi Hắc cũng không nghe. Cả đời ông sống với rác, nhưng giữ được tâm trong sạch, chẳng lẽ tới lúc được nghỉ ngơi, chỉ vì vài đồng mà phải nghĩ ngang nghĩ tắt, rối ruột mà làm gì. Thêm đồng quà tấm bánh, hòng lấy lòng yêu thêm của cháu, lại chẳng mắc vướng chữ “tham” ư!

Nghĩ lan man như vậy, đôi chân trung thành tự động đưa Hắc tới bãi rác X, cách khu nhà ở của đội công nhân vệ sinh hơn ba trăm mét. Hơn ba mươi năm làm nghề phân loại rác, gắn với bãi rác này hơn cả nhà mình, Hắc như một cái máy đã được lập trình, ngày ngày đúng sáu giờ ba mươi sáng đã có mặt ở bãi rác, sớm nhất, nhắm mắt cũng đi được tới bãi rác khổng lồ. Đêm ngủ mơ chân cũng tự động đưa Hắc tới bãi rác. 

Cứ như có một thứ hoóc môn thần bí rỉ ra âm thầm từ đâu đó trong c‌ơ th‌ể Hắc, khiến Hắc si mê rác, ăn ngủ cùng rác, tự động làm việc băng băng mà chẳng cần cố gắng. Trong khi ở tổ phân loại rác này, người ta đến rồi đi liên tục, chỉ có Hắc là chẳng bao giờ rời đi.

Ai cũng đặt câu hỏi, tại sao Hắc chịu đựng được cái việc quá nặng nhọc, ngày đêm hít thở mùi xú uế nồng nặc của rác, trong khi lương lại thấp mạt? Hắc cũng không biết tại sao, có thể vì đã quen, quen thì thấy dễ làm. Kể cả cái mùi rác xú uế nồng nặc, Hắc cũng quen, quen thì không thấy khó chịu, không thấy thối hoắc. Hắc có thể hít thở thoải mái mùi xú uế của rác đang phân hủy, trong khi những công nhân mới đến thì bịt mũi nhịn thở, ai nhịn không nổi thì bỏ việc!

Như một con gấu lầm lỳ, Hắc bổ đinh ba vào đống rác, cào ra. Lũ ruồi, nhặng bay túa ra vù vù đập cánh, lũ gián cả đàn bung ra như vỡ tổ, đàn kiến nháo nhác chạy tứ phía, và mùi rác thối nặc bốc lên đậm đặc, Hắc vẫn hí húi cào rác, chọn rác, phân loại rác chẳng mảy may kinh động.

*

Xuống ga tàu, trời đã tối thui dù mới hơn sáu giờ chiều. Hắc thuê xe ôm chở mình về tới đầu làng Trạch thì bảo dừng lại. Ông trả tiền xe ôm, vai khoác ba lô, tay xách chiếc túi to kiểu dành cho dân du lịch, đứng chờ cho người xe ôm quay xe, chạy đi một đoạn xa, mới nhìn quanh quất rồi tìm đến cái giếng đất phía trước cửa đền làng Trạch, ngả ba lô, đặt túi xuống bậc gạch dẫn xuống giếng. 

Ông mở túi du lịch, lấy ra một cái gáo nhựa, một cục xà bông, một khăn tắm đã chuẩn bị sẵn, rồi đi xuống bậc gạch sát mép nước, cởi bỏ quần áo, lặng lẽ múc nước giếng tắm gội. Ông lấy cục xà bông thơm xoa khắp mình mẩy, đầu tóc, kỳ cọ thật lâu với lớp bọt trơn nhẫy, hy vọng mùi thơm nhân tạo ngấm vào da thịt, át đi mùi xú uế của rác.

Tắm xong, ông mặc bộ quần áo mới. Đánh răng chậm rãi, súc miệng thật kỹ, rồi bỏ một viên kẹo cao su thơm mùi bạc hà vào miệng nhai. Khi bước lên bậc gạch cuối cùng trên miệng giếng đất, ông thử bụm tay quanh miệng, há miệng hà hơi ra rồi hít vào thật nhanh, cảm nhận mùi kẹo bạc hà nhẹ bẫng. Có vẻ yên tâm hơn một chút, ông khoác ba lô lên vai, tay xách túi du lịch, hồi hộp đi về phía nhà mình ở ngõ Cây Quéo.

Đến cổng xây trụ gạch, cánh cổng sắt nặng nề nhưng chắc chắn, ông Hắc gọi tên bà Hiên. Chưa thấy bà thưa, thì con chó dăm đã xộc ra sủa inh ỏi. Ông im lặng, không gọi nữa, bởi nghe tiếng chó sủa, chắc chắn bà Hiên sẽ ra cổng xem có người nào tìm đến nhà. Chừng hơn hai phút, đèn sân nhà bật sáng, bà Hiên cùng đứa cháu trai lớn bước ra sân.

-           Ai gọi nhà cháu đấy? – Tiếng bà Hiên vóng vót ra cổng.

-           Tôi, Hắc đây! – Ông kêu to. Tim ông đập thình thịch như giã giò. Quái lạ, ông có còn là gã thanh niên đâu. Chẳng qua vì ông ít về thăm nhà quá. Ý của ông là, khi nào về, thì về hẳn, thăm thú vài hôm chẳng bõ bèn gì!

-           Ô, ông nó đấy ư? Sao tối tăm này mới mò về nhà? – Bà Hiên ngạc nhiên, đẩy cánh cổng mở rộng.

-           Về tối cho mát! – Ông Hắc nói dối, cảm thấy dạ dày nằng nặng như vừa tống cả tảng bánh chưng vào. Ông giơ tay phải định vỗ vai thằng cháu nội, nhưng nó lùi ra. Bàn tay ông lơ lửng trên không trung vài giây, rồi rơi xuống bất lực.

Con chó dăm vừa lùi, vừa sủa liên hồi kỳ trận, dù bà Hiên mắng, nhưng nó dường như không muốn ông Hắc vào nhà.

Ông Hắc lôi trong ba lô, túi xách du lịch ra nào là bánh, kẹo, ô tô đồ chơi, búp bê, quần áo mới cho hai cháu nội. Vợ chồng con trai cả của ông cũng từ trong buồng chạy ra. Cả nhà xúm vào đống quà bánh lùm lùm trên cái bàn gỗ giữa nhà, cố làm ra vẻ háo hức, bà Hiên và con dâu cố nặn ra những câu hỏi, câu cảm thán hướng về ông Hắc, nhưng có một bất lực vô hình cứ chẹn giữa họ.

Ào ào được một lúc, rồi vợ chồng con cái nhà trai cả lặng lẽ rút về buồng ngủ của chúng, mang theo những món quà tặng của ông Hắc. Còn trơ lại hai ông bà già, tự nhiên họ chẳng còn biết nói gì với nhau. Cảm giác sượng sùng chiếm hữu họ.

- Khuya rồi. Tôi chuẩn bị nước nóng cho ông tắm nhé, rồi đi nghỉ. – Cuối cùng bà Hiên cất tiếng.

Ông Hắc định từ chối, vì ông tắm rồi. Nhưng ông câm miệng, biết đâu, người ông vẫn bốc mùi xú uế của rác?

Thôi được, ông sẽ tắm lần nữa!

*

Buồng ngủ tắt điện tối om. Ông Hắc lần mò trong bóng tối. Một cơn thèm khát run rẩy lan khắp người ông. Ông vén màn vào giường, tay ông quơ vào người bà Hiên, ông vội nắm lấy bờ vai đã phần nhiều khô héo. Nhưng không sao, ông có thể âu yếm cả những gì đã mất, cả phần thanh xuân bị bỏ rơi, cả khao khát đã lìa xa, cả bóng ma của quan hệ sin‌ּh l‌ּý vợ chồng. Nhưng ông chưa kịp áp sát thân thể bắt đầu bừng nóng của ông vào bà, thì bà đã vội hẩy ông ra, nằm sát vào tường.

-           Ông tha cho tôi, tôi già rồi. Cái đó hỏng rồi. – Bà Hiên nói nghèn nghẹn. Không biết vì bà tiếc, bà sợ, hay bà đang bịt mũi?

Như bị ngắt mạch điện, ông Hắc xìu ngay xuống. Ông dịch người ra xa khỏi bà Hiên, sát mép giường bên ngoài. Ông đưa bàn tay lên mũi ngửi, ông có thấy mùi gì đâu? Hay là mũi ông điếc đặc!

Nằm xoay lưng lại bà Hiên, ông suy nghĩ miên man, rồi ông mệt quá, ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ hỗn độn, ông thấy bà Hiên ôm chầm lấy ông, hít hà, khen ông thơm quá, ông vừa tắm xong mà. Bà ấy cởi quần áo cho ông, rồi lồng ông vào trong bà ấy, ấm áp, ngọt ngào. Đã bao năm xa nhau rồi, ông đâu được hưởng thứ hạnh phúc ngọt ngào như thế nơi bà ấy, chỉ vì ông quá tự ti với cái mùi xú uế tỏa ra từ ông.

Vừa nghĩ tới đó thì ám ảnh cố hữu xộc tới, người ông bốc mùi nồng nặc như một bãi rác đang phân hủy. Thối hơn cóc chết! Vợ, con, cháu ông vừa bịt mũi, vừa xua ông đi. Ông chạy tới bãi rác, rác quấn quanh người ông, ông thấy mình ăn rác, rồi nôn ra rác…

Không thở nổi, ông Hắc bật tỉnh dậy, tim ông thình thịch đập dồn, như sắp lên cơn đột quỵ. Ông gắng hít thở sâu vài hơi, rồi ngồi dậy. Ông nhớ ra là mình đang nằm trên giường, ở quê nhà, với vợ, chứ không phải trên cái giường đơn nơi nhà tập thể của công nhân rác gần bãi rác Thế Đại. Ông se sẽ trở dậy, không muốn làm bà Hiên thức giấc. Ông trở ra phòng ngoài, định tìm nước uống.

Ông Hắc bật đèn điện phòng ngoài, và giật mình khi thấy bà Hiên nằm còng queo trên cái xô pha nan ở giữa phòng. Bà ấy cũng nhỏm dậy, nheo mắt vì chói.

-           Sao bà lại bỏ ra đây ngủ? – Ông Hắc hỏi.

-           Tôi không ngủ được, tôi không quen ngủ với người khác! – Bà Hiên buột miệng.

-           Người khác ư? Tôi là chồng bà đấy! - Ông Hắc buồn bã nói, ngồi xuống trước mặt bà Hiên.

-           Lâu quá rồi ông không về - Bà Hiên thu mình lại trên ghế - Vả lại…

-           Người tôi thối quá chứ gì?! – Ông Hắc nói thay lời bà.

***

Ông Hắc cố gắng thay đổi tình thế. Ngày ngày ông tắm không dưới năm lần, miệng liên tục nhai kẹo bạc hà. Nhưng không hiểu làm sao, mùi rác vẫn tỏa ra từ mỗi lỗ chân lông của ông. Có lẽ, đã hơn ba chục năm hít thở mùi rác, ăn ngủ cùng rác, nó đã ngấm vào máu ông, trở thành ông và ông không thể thay đổi được nữa. Hỡi ôi, sao ông lại chọn cái nghề quái quỷ đó, hay chính nó chọn ông, để ông chẳng quẫy ra được, thậm chí chẳng bao giờ ông có ý định quẫy ra!

Nhiều lần, ông còn thầm cảm ơn rác, vì nó cho ông một nghề, cái cần câu cơm của cả gia đình, cho ông tiền hàng tháng gửi về nhà, để bà Hiên tích cóp nuôi hai đứa con ăn học, xây được nhà gạch khang trang ở quê nhà. Ông chẳng mong muốn gì hơn nữa. Nhưng ông đâu có ngờ đến hệ lụy này, khi về hưu, ông thành rác, mà rác thì chỉ để… vứt đi.

Tháng sau, được lĩnh lương hưu, ông Hắc dành hẳn nửa số tiền lương, mua cho đứa cháu gái lên tám tuổi một cái cặp sách Barbie thật xịn mà cháu muốn có nhưng bố mẹ không mua cho. Đứa cháu nể ông lắm, mới cho ông lại gần nó, vuốt tóc nó. Nó bịt mũi rồi bảo ông:

-           Ông ơi, sao người ông thối khắm thế? Thối hơn cả cứt cháu vừa ỉa ra. Ông nên đến bệnh viện chữa bệnh thối đi, nếu không, cả nhà mình sẽ không cho ông ở cùng đâu!

Ông Hắc choáng, lảo đảo đứng lên, không muốn ép cháu gái phải chịu đựng mùi tỏa ra từ mình nữa. Ông chui vào phòng tắm, tắm thật lâu, chảy hết cả bồn nước inox, chảy mòn cả người, mà mùi xú uế vẫn không hết được. Đến khi lảo đảo bước ra khỏi phòng tắm, ông va phải con chó dăm, nó chạy bắn khỏi ông, rồi cụp đuôi sủa nhặng lên như muốn xua đuổi ông ra khỏi nhà. Đến con chó, cũng không muốn chấp nhận ông trong cái nhà này. Vậy thì ông biết đi đâu, về đâu bây giờ! Những ngày qua, vợ ông ban đêm không ngủ cùng ông, ban ngày thì lấy cớ đi chợ, đi thăm người nọ người kia mà biến khỏi nhà, cốt để không phải gần ông. Vợ chồng thằng con cả thì đánh tiếng ra ở riêng. Chúng đang đi tìm mua nhà khác. Không ai có thể chịu nổi mùi của ông.

Ông Hắc ngồi bệt xuống hiên nhà, đầu gục xuống gối. Ông sống những ngày tiếp theo để làm gì? Có ý nghĩa gì? Đôi ba lần ông định đi tìm một chủ thầu xây dựng trong làng để xin một chân làm phu hồ, nhưng rồi ông lại tự dập tắt ý định ấy. Đến vợ con ông còn chẳng chịu nổi mùi của ông, thì làm sao người ngoài chịu được!

Ông có đang sống không? Hay ông chỉ là một nấm mồ di động, chờ đến ngày tìm được đúng hố đất dành cho mình rồi lăn xuống? Ông biết vợ, con, cháu ông cũng đang khổ tâm lắm lắm, khi họ không chịu đựng nổi mùi ông, mà buộc phải xa lánh ông. Ông có quyền chi trách móc vợ con, mà chính ông, đang có tội với họ, tạo áp lực không mong muốn lên họ, khiến họ bị dằn vặt triền miên… Có cách nào đây thoát khỏi cái mùi rác ám ảnh, mùi đời chua chát?

*

Lợi ngạc nhiên khi thấy ông Hắc đột ngột xuất hiện trước mặt mình, trong khu nhà ở của đội công nhân phân loại rác. Vai đeo nguyên ba lô, tay xách túi du lịch móp méo, gương mặt vừa như u uất, vừa như mừng vui, ông Hắc lao tới ôm chặt lấy Lợi, cái ôm xiết như trao cả thân mình, số phận mình cho người đồng nghiệp. Lợi gai người khi cảm thấy tim ông Hắc đập mạnh tới nỗi nó như muốn phá tung lồng ngực ông ấy, để nhẩy vào ngực phải của Lợi mà nằm vĩnh viễn trong đó. Trời hỡi, ông làm sao vậy Hắc? Một nỗi đau, một hy vọng, một cô đơn đi tìm nơi ẩn náu?

Lợi cẩn trọng ôm Hắc hồi lâu, rồi tách ông già ra. Lợi nhìn thẳng vào mặt Hắc, rồi ước chi đừng nhìn thấy, những giọt nước mắt đục ngầu trôi ra, lăn xuống gò má khô héo võ vàng của ông già thất bại. Ôi Hắc, lão già khốn khổ!

-           Thôi được rồi. Ông ở lại đây với tụi tôi. Làm việc, sống cùng nhau, cùng rác. – Cuối cùng Lợi nói – Nhưng tôi không có lương trả ông đâu nhé.

-           Tôi có lương hưu rồi. Đủ ăn. – Hắc hít một hơi thật dài, mạnh mẽ gạt dòng nước mắt, mỉm cười. – Tôi tình nguyện làm việc không công, sống ở đây, chết ở đây.

Tối đó, bên bãi rác khổng lồ bốc mùi tởm lợm, nhóm công nhân có một bữa rượu lòng lợn mừng Hắc trở về. Họ ăn uống, cười nói, vui vẻ, tự nhiên. Hắc nuốt từng ngụm rượu cay, từng giọt nước mắt đắng. Và kỳ lạ thay, ông thấy thanh thản lạ lùng. Chỉ những con người này, mới cùng ông chia sẻ cuộc sống, chỉ có họ không xa lánh ông, không có cảm giác phải chịu đựng ông, không thấy cái mùi của ông, bởi họ đã quen rồi, họ có thể thoải mái trong cái mùi xú uế dơ dáy xung quanh, trong cái mùi tỏa ra từ chính họ. Họ là đồng đội!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật