8X Đà Nẵng ‘vẽ tranh’ bằng sỏi đá, vỏ ốc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những viên sỏi, vỏ ốc vô tri vô giác đã được ‘thổi hồn’ thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo dưới bàn tay tài hoa của nữ họa sĩ Đà Nẵng.
8X Đà Nẵng ‘vẽ tranh’ bằng sỏi đá, vỏ ốc
Chị Hạnh và tác phẩm nghệ thuật độc đáo làm từ sỏi đá.

Xem Video: Vẽ tranh nghệ thuật trên sỏi đá kiếm tiền triệu

//

Mới đây, loạt tranh nghệ thuật được làm từ sỏi, vỏ ốc của chị Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, ngụ đường Đồng Kè, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) bất ngờ được chia sẻ rộng rãi trên một số diễn đàn mạng xã hội và nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt tương tác.

Theo đó, tận dụng những chất liệu có sẵn trong thiên nhiên, chị Hạnh đã trổ tài hội họa và đính kết kì công thành những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. 

Liên hệ với chị Hạnh, được biết, chị theo nghề vẽ được 15 năm, từ khi còn là sinh viên nhưng gắn bó với công việc làm tranh từ sỏi đá và vỏ ốc thì chỉ mới vài năm trở lại đây.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, chị Hạnh cho hay: ’Hồi nhỏ mình cùng các em hay ra con suối gần nhà để nhặt sỏi về chơi. Lớn lên vẫn giữ thói quen đó mà bản thân vốn đam mê hội họa nên đã nảy ra ý tưởng tận dụng những viên sỏi nhặt được để làm chất liệu vẽ tranh. Ban đầu chưa quen thì mình chỉ làm những bức tranh đơn giản từ sỏi để trang trí trong nhà. Sau này đã có kinh nghiệm hơn thì mình bắt đầu sắp xếp và kết hợp sỏi để tạo thành tranh nghệ thuật’.

Không chỉ sỏi mà chị Hạnh còn tận dụng cả vỏ ốc. Ốc sau khi mua về ăn hoặc lượm nhặt được ở bãi biển, chị đem về khử mùi, làm sạch. Chị bảo, sỏi thì xử lý đơn giản còn vỏ ốc thì cần cầu kì hơn. Để sỏi và vỏ ốc sạch sẽ, sử dụng được, chị phải chà, rửa cẩn thận. 

’Sỏi thì phải chà các bề mặt còn vỏ ốc thì phải rửa bằng xà phòng và ngâm dung dịch thuốc tẩy để khử mùi. Con ốc nào vỏ có nhiều mảng bám thì phải dùng bàn chải sắt để chà sạch. Sau khi xử lý sạch sẽ thì phải phơi khô. Khi nào khô hết và không còn mùi nữa thì mới dùng được’, chị Hạnh chia sẻ.

Những viên sỏi, đá được ’thổi hồn’, tạo thành những bức tranh nghệ thuật sống động.

Sau khi làm sạch sỏi và vỏ ốc, chị Hạnh bắt đầu lên ý tưởng thực hiện tác phẩm nghệ thuật của mình. Ban đầu, chị sẽ phác họa hình mà mình muốn vẽ rồi sắp xếp sỏi và vỏ ốc lên. Sau đó, chị liên tưởng xem phối màu như thế nào cho đẹp mắt rồi chụp hình phần thô lại.

’Có ý tưởng rồi thì mình mới đi màu lên sỏi và vỏ ốc. Màu khô thì mình ráp chất liệu lên tranh như hình thô đã chụp và đính keo cố định chúng’. 

Những viên sỏi, vỏ ốc được tô màu sặc sỡ, đính kết kì công, nhanh chóng trở thành những bức tranh đầy tính nghệ thuật. Chị bảo, hồi mới làm thì chị tốn khá nhiều thời gian để hoàn thiện một tác phẩm. 

’Bức tranh đầu tiên mình mất 6 tháng vừa nghiên cứu vừa thực hiện. Bây giờ quen tay rồi thì mình làm nhanh hơn, 1 tuần có thể sáng tạo được 2 tác phẩm mới. Những bức tranh đầu tiên thì mình đính kết khá cẩn thận nhưng dần dà, mình muốn tạo nên sự phá cách và tự nhiên nên sắp xếp sỏi và vỏ ốc không theo khuôn mẫu nào nữa cả. Cũng bởi vậy mà mỗi tác phẩm sau khi được hoàn thiện đều mang những nét đẹp riêng’.

Chính sự sắp đặt ngẫu nhiên mà hài hòa của sỏi và vỏ ốc đã giúp bức tranh của chị Hạnh trở nên mới lạ và đầy sức hút. Chẳng ai nghĩ, những thứ tưởng chừng là vô tri vô giác ấy lại có thể được ’thổi hồn’ và tạo nên những tác phẩm đầy tính nghệ thuật độc đáo như vậy.

Đó chính là nhờ óc sáng tạo và bàn tay tài hoa của người mang trong mình ’máu nghệ sĩ’ như chị Hạnh. Đến thời điểm hiện tại, chị đã hoàn thiện được hơn 30 bức tranh làm từ sỏi và vỏ ốc. 

Chị bảo, để làm nên những tác phẩm hội họa độc đáo ấy phải kể đến sự giúp đỡ tận tình của chồng. Anh cũng là một họa sĩ, là người chỉ bảo, đóng góp tích cực và đưa ra những nhận xét phù hợp mỗi khi chị Hạnh thực hiện tác phẩm của mình.

Ngoài sỏi và vỏ ốc, chị Hạnh còn tận dụng cả vỏ cây hay hạt cà phê để sáng tạo nghệ thuật. Theo chị, nghệ thuật đôi khi rất gần gũi, chỉ cần chúng ta chịu khó quan sát và ứng dụng thì những nguyên vật liệu có sẵn từ thiên nhiên đều có thể tạo nên những bức tranh đẹp mắt.

Cũng chính tình yêu thiên nhiên ấy, chị còn cùng chồng sử dụng vật liệu tái chế như lốp xe cũ, cành cây khô để ’tô điểm’không gian sống xanh -sạch-đẹp cho gia đình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật