Cáy gọng đỏ - món ăn dân dã, giải nhiệt mùa hè

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vào những ngày oi nóng, mâm cơm bình dị với bát canh rau đay mồng tơi nấu cáy biển kèm vài quả cà pháo là lựa chọn của nhiều gia đình.
Cáy gọng đỏ - món ăn dân dã, giải nhiệt mùa hè
Bát canh cáy rau đay, vài quả cà là đủ ngon miệng những ngày nắng nóng.

Tầm tháng 4 tháng 9 âm lịch, đi dọc vùng nước lợ, rừng sú vẹt trong Bang, Thống Nhất (TP Hạ Long), Móng Cái, hình ảnh mà bạn có thể dễ dàng nhìn thấy đó chính là cả vùng lấp lánh ánh đèn đêm nhìn ngỡ như một “thành phố” rực rỡ. Đó chính là thời điểm đi “săn” cáy của ngư dân. Mỗi đêm nước xuống, người dân ở đây có khi soi được cả chục cân cáy biển.

Cáy biển thuộc họ cua có nhiều loại, ngon nhất là cáy gọng đỏ. Chúng sống vùng nước lợ ven cửa sông, cửa biển. Cáy biển thường có lông nhỏ nhưng càng khá to, các chân nhỏ hơn nhưng mang nhiều lông, mang của chúng có nhiều vân. Cáy còng đỏ thường rất hung dữ, hễ có động là dùng càng để giao chiến. Cáy thường sống trong hang, nắng càng to thì chúng sẽ bò ra khỏi hang để tìm thức ăn.

Nhưng bắt cáy cũng không phải dễ, bởi chúng rất nhanh, hễ có động là chạy vào hang. Thế nên, những thợ “soi” cáy phải thật khéo léo, nhanh tay mới bắt được chúng.

Cáy gọng đỏ được cho vào chậu to, che lá sú, để cáy tươi ngon lâu hơn.

Thời điểm nước xuống lộ những bãi triều cạn chính là thời điểm “vàng” để bắt cáy. Dụng cụ đánh bắt cáy tương đối đơn giản gồm đèn pin, loại đội lên đầu để thuận tiện cho quá trình bắt cáy, thùng cao và đồ bảo hộ như găng tay, ủng để tránh bị cáy cắp và những mảnh hà có thể gây xước da. Cáy biển thường sống trong những lỗ nhỏ trên cát gọi là lỗ bống và dưới gốc cây mắm.

Anh Vi Văn Tiến (xã Hải Tiến, Móng Cái), thợ săn cáy có kinh nghiệm kể: Khi nước cạn phơi bãi càng lâu thì cáy bò lên khỏi lỗ bống sẽ dễ bắt hơn là lúc nước nước mới rút hoặc sau mưa. Khi ấy cáy hay ở miệng lỗ bống soi kỹ mới thấy càng cáy nhô lên, phải nhanh tay vồ để chặn đường lui của cáy. Nếu động tác không nhanh gọn cáy sẽ chui ngay vào lỗ bống.

Anh Tiến cho biết, vào mùa này, một đêm đi soi cáy anh có thể bắt được chục cân cáy tươi ngon, bán cũng được giá từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/kg.

Canh cáy biển nấu rau đay mồng tơi thêm quả mướp là đủ vị cho bữa ăn ngày hè oi nóng. Cáy sau khi bắt xong thì bỏ phần yếm và dải phân là nguyên nhân làm thịt cáy hôi rồi ngâm cáy trong nước sạch 30-40 phút. Tiếp đến tách phần mai cáy để riêng, phần thân cáy cùng càng cho vào giã nhỏ hoặc xay đến nhuyễn. Khi giã cáy cho thêm chút muối.

Làm cáy cần bỏ mai, yếm để cáy thơm ngon, tránh mùi hôi.

Theo kinh nghiệm dân gian cho một nhúm muối khi giã cùng sẽ làm cho thịt cáy kết lại khi nấu. Giã hoặc xay nhỏ cáy xong cho thêm nước khuấy đều rồi lọc bỏ phần bã. Trước khi nấu dùng tăm khêu hết phần gạch trong mai cáy bỏ vào nồi để nồi canh thêm thơm.

Khi đun canh cáy chú ý đun nhỏ lửa. Thêm gia vị cho vừa ăn. Đợi khi nước sôi cho rau mồng tơi, hay rau đay, mướp thái nhỏ vào đợi đến khi canh sôi lần nữa là tắt bếp. Khi cho rau vào cần chú ý thời gian, không đậy vung sẽ trào cáy, đun quá lâu rau sẽ nhừ, có vị nồng làm mất độ thơm ngon của canh cáy.

Bữa cơm ngày nắng nóng vất vả, chỉ với canh cáy, cà pháo và cá kho thì quả thật rất hợp. Chắc hẳn về vùng biển thưởng thức món ăn này, thực khách sẽ thêm yêu những món ăn dân dã tuyệt ngon, hiểu hơn "đặc sản" gây thương nhớ đôi khi lại rất giản đơn mà chưa chắc hẳn là cao lương mỹ vị gì.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật